Doanh nghiệp

Startup đu dây mạo hiểm Jungle Boss vừa gọi vốn thành công 12 tỷ đồng trên Shark Tank: Mô hình kinh doanh và bức tranh tài chính có gì?

Trên website của mình, Jungle Boss giới thiệu họ là đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm hàng đầu Việt Nam. Jungle Boss chuyên tổ chức khai thác độc quyền các chương trình khám phá hang động và rừng nguyên sinh tại Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và các khu vực lân cận.

Sản phẩm độc đáo

Sản phẩm được chia thành nhiều gói từ mức độ dễ - khó - rất khó với thời gian tham gia và chi phí khác nhau, dao động từ 800 nghìn đồng đến 35 triệu đồng.

Startup đu dây mạo hiểm Jungle Boss vừa gọi vốn thành công 12 tỷ đồng trên Shark Tank: Mô hình kinh doanh và bức tranh tài chính có gì? - Ảnh 1.

Ảnh: Jungle Boss

Trong đó, nổi bật nhất là 2 sản phẩm cấp độ 6 và cấp độ 7 là khám phá hang Pygmy, hang động lớn thư tư thế giới, và khám phá Kong Collapse một trong những hố sụt sâu nhất hành tinh.

Đây là sản phẩm sau hơn 1 năm khảo sát, nghiên cứu và kiểm tra các yếu tố an toàn, Jungle Boss đã cho ra đời sản phẩm du lịch mạo hiểm KONG COLLAPSE TOP ADVENTURE – Chinh phục đỉnh cao hố sụt Kong với trải nghiệm đu dây 100m, đây là tour du lịch có cấp độ mạo hiểm cao nhất Việt Nam.

Startup đu dây mạo hiểm Jungle Boss vừa gọi vốn thành công 12 tỷ đồng trên Shark Tank: Mô hình kinh doanh và bức tranh tài chính có gì? - Ảnh 2.

Ảnh: Jungle Boss

Với chiều cao lên đến 450m từ đỉnh cao nhất đến đáy, Kong đã trở thành một trong những hố sụt sâu nhất trên hành tinh với dòng sông ngầm và khu rừng nguyên sinh bên trong đầy bí ẩn. Sở dĩ, hố sụt này được đặt tên Kong vì hình dáng nhìn từ trên cao xuống rất giống chiếc đầu khổng lồ của nhân vật khỉ King Kong trong bộ phim bom tấn nổi tiếng cùng tên.

Chuyến hành trình này yêu cầu du khách phải đi bộ: 23 km, khám phá hang động: 7 km, đu dây: 100 m và bơi 300 m.

Jungle Boss đã hợp tác với các chuyên gia hang động của Hiệp hội hang động hoàng gia Anh, Hiệp hội hang động quốc gia Hoa Kỳ, các chuyên gia về cứu hộ cứu nạn của Công ty Cứu hộ cứu nạn Việt Nam để thực hiện các chương trình đào tạo tập huấn nâng cao cá kỹ năng an toàn hang động, cứu hộ cứu nạn cho đội ngũ hướng dẫn viên, trợ lý an toàn và nhân viên phục vụ.

Điều quan trọng nhất, Jungle Boss đã hợp tác với các chuyên gia an toàn hang động trong nước và quốc tế cũng như các đơn vị có thẩm quyền của địa phương để xây dựng riêng một phương án đảm bảo an toàn và được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt.

Ngoài ra, tất cả các trang thiết bị an toàn của Jungle Boss đều nhập khẩu từ các nhà sản xuất đạt tiểu chuẩn Châu Âu và được thông tin chi tiết trên trang chủ của công ty.

Startup đu dây mạo hiểm Jungle Boss vừa gọi vốn thành công 12 tỷ đồng trên Shark Tank: Mô hình kinh doanh và bức tranh tài chính có gì? - Ảnh 4.

Trải nghiệm đu dây 100m rồi thả mình xuống giữa thinh không và bao quanh là ngút ngàn rừng núi, hang động kỳ vĩ, hoang sơ. (Ảnh: Jungle Boss).

Các quy trình kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị tại kho kỹ thuật và trên thực địa được thực hiện rất nghiêm ngặt bởi đội ngũ an toàn hang động để loại trừ tất cả những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an toàn của du khách.

CEO tâm huyết và am hiểu

Pháp nhân của Jungle Boss là Công ty TNHH Jungle Boss. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 11/2015, đến nay đã có hơn 6 năm hoạt động.

Vốn điều lệ ban đầu đăng ký là 1,9 tỷ đồng. Tại thời điểm tham gia Shark Tank vốn điều lệ của công ty đã nâng lên là 12 tỷ đồng, trong đó anh Lê Lưu Dũng chiếm 80%, tương đương 9,6 tỷ đồng. Ngoài anh Dũng, còn 1 thành viên góp vốn nữa chiếm 20% cổ phần, tương đương 2,4 tỷ đồng.

Giám đốc, kiêm chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty là Lê Lưu Dũng, sinh năm 1985. Lưu Dũng cũng chính là người điều hành trực tiếp Jungle Boss và có niềm đam mê lớn với thám hiểm hang động. Trong phần chia sẻ của mình tại chương trình Shark Tank, Lê Lưu Dũng có nói với các Shark : "Khi em làm du lịch mạo hiểm, là em làm với niềm đam mê của em thôi"

Trên page của Jungle Boss có nói về tâm huyết của đội ngũ Jungle Boss từ khám phá ra hố sụt Kong đến khi thiết lập được hệ thống an toàn để cho ra đời sản phẩm du lịch

"Tình cờ phát hiện hố sụt Kong Collapse sau hơn 22 năm ẩn sâu nơi miền xa thẳm của núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, đội ngũ khám phá hang động của Jungle Boss đã không ngừng ngày đêm miệt mài nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu vô cùng tỉ mỉ về hố sụt khổng lồ sâu hơn 450m này. Cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia hang động Mỹ, Jungle Boss đã mất gần 2 năm để khám phá hố sụt siêu bí ẩn Kong và thiết lập một hệ thống an toàn tuyệt đối để cho ra đời một siêu phẩm du lịch mạo hiểm số 1 Việt Nam."

Startup đu dây mạo hiểm Jungle Boss vừa gọi vốn thành công 12 tỷ đồng trên Shark Tank: Mô hình kinh doanh và bức tranh tài chính có gì? - Ảnh 5.

Anh Lê Lưu Dũng - CEO của Jungle Boss

Cũng theo anh Dũng chia sẻ trong chương trình, anh xuất thân là một nhà bảo tồn thiên nhiên, làm bảo tồn cho một dự án thiên nhiên của Đức. Vì vậy, không ít lần trong chương trình vị CEO này khẳng định về khai thác du lịch sinh thái luôn đi cùng với bảo vệ môi trường.

Khách hàng tham gia các tour luôn được yêu cầu tuân thủ các quy định bảo vệ di sản và tài nguyên thiên nhiên, tôn trọng các phong tục tập quán của địa phương.

Ngoài mô hình kinh doanh "lạ", có lẽ chính sự am hiểu, tâm huyết và chỉn chu của vị CEO Jungle Boss đã "chinh phục" được 3/5 Shark trong tập đầu tiên của mùa 5 Shark Tank.

Động lực nào để Jungle Boss tăng trưởng khi mô hình kinh doanh đi vào "ngách"

Tỏ ra quan tâm với mô hình này, điều các Shark xoáy sâu vào CEO là về tiềm năng tăng trưởng doanh thu của mô hình kinh doanh.

Theo câu trả lời của CEO Lê Lưu Dũng khi được Shark Hưng và Shark Phú hỏi, cơ bản có những động lực sau cho sự tăng trưởng doanh thu Jungle Boss thời gian tới:

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh hiện tại chưa đạt 30% công suất. Theo anh Dũng sắp tới mặc dù số khách không nhiều hơn các năm trước nhưng có sản phẩm mới và giá thành nâng cao lên nên doanh thu sẽ tăng trưởng.

Trên thực tế, tour có giá trị cao nhất của Jungle Boss là Chinh phục mạo hiểm đỉnh cao Hố sụt Kong (có giá 35 triệu đồng) mới được đưa vào khai thác từ cuối năm 2021. Hơn nữa, thời gian đầu nhằm mục đích kích cầu khi chưa được nhiều du khách biết đến, mức giá doanh nghiệp áp dụng cho đến hết ngày 31/05/2022 là 18,4 triệu đồng.

Startup đu dây mạo hiểm Jungle Boss vừa gọi vốn thành công 12 tỷ đồng trên Shark Tank: Mô hình kinh doanh và bức tranh tài chính có gì? - Ảnh 6.

Thứ hai, những sản phẩm sắp tới định làm để tăng doanh thu là dù lượn và cắm trại cao cấp. Anh Dũng cho biết dịch vụ cắm trại cao cấp Jungle Boss dự định làm sẽ luxury hơn những mô hình kinh doanh hiện tại.

Thứ ba, định hướng nhân rộng ra các địa phương khác. Hiện tại, Jungle Boss đang làm tốt ở Quảng Bình và vị CEO sinh năm 1985 chia sẻ, họ muốn nhân rộng mô hình này sang các địa phương khác.

Kỳ vọng doanh số của doanh nghiệp năm nay vào khoảng hơn 20 tỷ, sang năm 60 tỷ, các năm khác lên 100 tỷ.

Về tình hình tài chính của doanh nghiệp theo CEO Dũng cho biết, doanh nghiệp hiện có nợ ngân hàng khoảng 7 tỷ, vốn chủ 25 tỷ (trong đó vốn điều lệ 12 tỷ), tương đương tổng mức tài sản vào khoảng 32 tỷ.

Sau phần trình bày và trả lời các câu hỏi của mình, Jungle Boss nhận được sự yêu thích của 3 Shark là Shark Hưng, Shark Bình và Shark Hùng Anh. Kết quả của màn "lên gối" tranh giành tặng quà đầy gay cấn của Shark Hưng và Shark Hùng Anh là cái gật đầu của CEO Jungle Boss với lời đề nghị đầu tư 12 tỷ đồng cho 25% cổ phần của Shark Hưng.

Qua đó tạo nên thương vụ thành công đầu tiên trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 5.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm