Theo ông Huy, Finhay trở thành công ty đầu tiên trong lĩnh vực fintech sở hữu một công ty chứng khoán. Trước đó, nhà sáng lập đã trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Vina từ đầu năm, thay ông Na Sungsoo.
Hiện tại, công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam sở hữu hơn 34,6 triệu cổ phần Vina Securities, tương ứng 96,62% vốn điều lệ. Ông Nghiêm Xuân Huy nắm 136.800 cổ phần, tương ứng 0,38% vốn. Bà Vũ Thanh Vân, COO Finhay nắm hơn 1 triệu cổ phần, tương ứng 3% vốn. Số cổ phần này được Finhay, ông Huy và bà Vân mua lại hồi cuối năm ngoái từ nhóm cổ đông Hàn Quốc của Vina Securities.
Thành lập năm 2006, Vina Securities được các cổ đông Hàn Quốc mua lại năm 2020. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán này chìm trong khó khăn. Hai năm gần nhất, Vina Securites lỗ lần lượt 69,3 tỷ và gần 29 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính năm 2021, đến hết 31/12, doanh nghiệp này lỗ luỹ kế hơn 263 tỷ đồng.
Sau khi về tay chủ mới, Vina Securites đặt mục tiêu doanh thu gần 87 tỷ đồng. Công ty chứng khoán này cũng dự kiến ngắt mạch thua lỗ, đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 60 tỷ đồng.
Việc mua lại Vina Securities sẽ góp phần giúp Finhay hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Sau 5 năm ra mắt, Finhay sở hữu hệ sinh thái sản phẩm đầu tư tài chính với hơn 2 triệu người dùng. Với sản phẩm chứng khoán hợp tác cùng Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Finhay đang cho phép người dùng đầu tư chứng khoán với số vốn nhỏ, chỉ từ 10.000 đồng hay giao dịch lô lẻ...
Từ khi thành lập, Finhay đã được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài rót vốn như H2 Australia, Insignia Ventures Partner và một số quỹ tại Đông Nam Á. Tháng 4/2020, startup này nhận thêm vốn từ nhà đầu tư đồng sáng lập Acorns và Chứng khoán Thiên Việt. Trong đó, đến 31/3, Thiên Việt ghi nhận khoản đầu tư vào Finhay có trị giá gần 62,5 tỷ đồng.