Chu kỳ kinh tế biến động thất thường
Cách đây không lâu, người ta vẫn nghĩ rằng suy thoái kinh tế của Mỹ lặp lại khoảng 10 năm một lần. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đợt phong tỏa diện rộng vì đại dịch Covid-19, các chu kỳ kinh tế đang biến động rất thất thường. Có vẻ, một chu kỳ suy thoái mới lại đang bắt đầu với nền kinh tế Mỹ.
Trong ký ức của hầu hết mọi người, giai đoạn 2007-2009 và 2020 là những đợt suy thoái tồi tệ với những tác động rất bất thường. Đại đa phần đều tin rằng cuộc suy thoái tiếp theo của Mỹ chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, vì kinh tế thế giới nói chung và các thị trường tài sản của Mỹ nói riêng đều đang rất mong manh bởi những ảnh hưởng của đại dịch, tác động của đợt suy thoái tiếp theo cũng có thể trở nên khó lường.
Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Mỹ chẳng có cách nào để thoát khỏi những áp lực hiện hữu. Giá thực phẩm và xăng dầu tăng cao khoét sâu vào chi tiêu tiêu dùng. Trong tháng 4, giá tiêu dùng cao hơn 8,3% so với một năm trước đó. Ngay cả khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát hàng năm vẫn là 6,2%.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể vẫn tiếp diễn chừng nào xung đột giữa Nga và Ukraine tìm thấy giải pháp cũng như Trung Quốc từ bỏ chiến lược chống dịch cực đoan của mình.
Thị trường lao động Mỹ đang nóng lên, với gần 2 cơ hội việc làm cho mỗi công nhân thất nghiệp trong tháng 3. Đây là con số lớn chưa từng có kể từ năm 1950, thời điểm dữ liệu này bắt đầu được thu thập. Trong khi đó, một thước đo tăng trưởng tiền lương của Goldman Sachs đang ở mức cao nhất mọi thời đại là gần 5,5%, một tỷ lệ mà các công ty không thể chịu đựng được trừ khi họ tăng giá mạnh với sản phẩm.
FED đang hứa sẽ can thiệp. Các nhà đầu tư nghiêng về phía Ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ tăng lãi suất lên 2,5% vào cuối năm 2022. Trong khi đó, cơ quan này cũng bày tỏ quyết tâm đưa lạm phát ở mức 2% nhưng không gây ra suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các động thái nhằm chế ngự lạm phát đều sẽ khiến nền kinh tế co lại.
Kể từ năm 1955, lãi suất từng tăng nhanh như năm nay trong 7 chu kỳ kinh tế. Sáu trong số đó chứng kiến suy thoái trong vòng 1 năm rưỡi. Ngoại lệ duy nhất là vào giữa những năm 1990, khi lạm phát thấp và thị trường lao động cân bằng hơn. Hôm 1/6, Jamie Dimon, CEO ngân hàng lớn nhất của Mỹ JPMorgan Chase, đã cảnh báo một "cơn bão" kinh tế đang tới gần.
Thực tế, dù suy thoái có thể xảy ra nhưng đó có lẽ là một cuộc suy thoái tương đối nhẹ nhàng. Trong cuộc khủng hoảng 2007-2009, hệ thống tài chính bị đóng băng và năm 2020, hoạt động trong toàn bộ các lĩnh vực tạm dừng. Cả 2 cuộc suy thoái gần nhất đều ghi nhận những cú rơi lớn với GDP đã giảm mạnh chưa từng có kể từ sau Thế chiến 2.
Cuộc suy thoái tiếp theo sẽ khác. Ở một khía cạnh nào đó, nước Mỹ rất kiên cường. Người tiêu dùng vẫn rủng rỉnh tiền mặt từ đợt kích thích kinh tế thời Covid-19. Các doanh nghiệp cũng có lợi nhuận đáng mơ ước. Thị trường nhà đất đang chậm lại khi lãi suất tăng lên nhưng ngược lại với những cuối những năm 2000, nó không làm sụp đổ các ngân hàng vốn rất vững mạnh của nước Mỹ.
Và ít nhất thì FED cũng không phải đối mặt với tình trạng khó khăn như cơ quan này đã trải qua những năm 1980. Thời điểm đó, lạm phát ở mức trên 5% trong vòng 6,5 năm, dẫn tới việc lãi suất tăng gần 20% làm cho tỷ lệ thất nghiệp đạt gần 11%. Hôm nay, lạm phát ở trên ngưỡng mục tiêu (2%) trong chưa đầy 1 năm. Nó sẽ giúp FED dễ đối phó hơn.
Những điểm yếu của nền kinh tế Mỹ
Rắc rối là ngay cả một cuộc suy thoái nhẹ của Mỹ cũng có thể làm lộ ra những điểm yếu chết người. Một là cuộc khủng hoảng giá cả và hàng hóa ở nhiều nơi trên thế giới. Các quốc gia từ Trung Đông đến châu Á đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và hóa đơn nhiên liệu tăng cao. Khu vực đồng euro đang phải đối mặt với cú sốc năng lượng đặc biệt nghiêm trọng khi quay lưng với dầu Nga. Trên khắp thế giới, thu nhập hộ gia đình đang giảm.
Một điểm khác nằm ngay chính nội tại nước Mỹ, đó là phố Wall. Cho đến thời điểm hiện tại của năm 2022, chứng khoán Mỹ đã giảm 15%, ít hơn nhiều so với sự sụt giảm ở cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào năm 1991. Việc bán tháo diễn ra có trật tự và các ngân hàng của Mỹ đang ngồi trên núi tiền. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ tiền rẻ, không ai có thể chắc chắn giá tài sản sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự kết hợp của lãi suất cao hơn và nguy cơ suy thoái tiềm năng từ các chính sách của FED. Cổ phiếu hiện đã "đắt" so với lợi nhuận dài hạn của doanh nghiệp.
Một hệ thống cho vay dựa trên thị trường đã được hình thành từ biến cố năm 2009 nhưng vẫn chưa được thử nghiệm một cách kỹ lưỡng. Nó bao gồm các quỹ đầu tư hoạt động giống như ngân hàng, các công ty thanh toán bù trừ phái sinh và các nhà giao dịch trái phiếu tần suất cao bằng thuật toán. Nếu có vấn đề gì xảy ra với hệ thống này, FED sẽ khó cứu phố Wall một lần nữa bởi các chính sách của cơ quan này cũng đang buộc phố Wall phải đối mặt với lãi suất cao hơn và việc làm bị cắt giảm.
Điểm mong manh cuối cùng chính là nền chỉnh trị siêu đảng phái của Mỹ. Một cuộc suy thoái có thể xảy ra vào cuối năm 2024 sẽ xung đột với chiến dịch tranh cử của các ứng viên Tổng thống Mỹ. Nếu nền kinh tế đang bị thu hẹp lại, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 có thể sẽ gây chia rẽ nhiều hơn so với những gì người ta dự kiến.
Cuộc đua chính trị có thể làm sai lệch phản ứng của Chính phủ với suy thoái. FED có thể bị lôi vào một cuộc chiến chính trị không khoan nhượng. Sau khi nhận được các khoản cứu trợ lên tới 26% GDP trong đại dịch, cử tri và các doanh nghiệp cũng có thể mong chờ sự bảo vệ của chính phủ trước khó khăn lần này. Tuy nhiên, nếu đảng Cộng hòa có thể sẽ giành lại quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới, họ sẽ khó có khả năng chi tiền để ngăn chặn suy thoái nếu điều đó có thể mang lại lợi thế cho Chính quyền Tổng thống Joe Biden (người Dân chủ).
Nếu nền kinh tế Mỹ suy giảm trong một hoặc 2 năm tới, nó thậm chí có thể thay đổi hướng đi dài hạn của đất nước. Phản ứng tốt nhất với suy thoái kinh tế trong đó lạm phát vẫn sẽ ở mức cao là các cải cách vì mục tiêu tăng trưởng, chẳng hạn như giảm thuế quan và cạnh tranh hơn. Trong khi đó, suy thoái có thể thúc đẩy chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ.
Đo bằng sự sụt giảm GDP, cuộc suy thoái tiếp theo có thể sẽ nhẹ nhàng. Nhưng nêu đánh giá bởi tác động của nó đối với các nền kinh tế mới nổi trên toàn cầu, thị trường tài sản và chính trị Mỹ, nguy cơ phía trước không thể bị đánh giá thấp.