Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu của Tập đoàn FLC (FLC), CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) và CTCP Nông Dược HAI (HAI) từ diện "kiểm soát" sang "hạn chế giao dịch" từ ngày 1/6.
HoSE cho biết, cả ba doanh nghiệp niêm yết trên đều chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trong văn bản giải trình sau đó, FLC và ROS cho biết doanh nghiệp chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp nên chưa thể nộp và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 theo đúng quy định.
Ngoài ra, ROS cũng chưa hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật do chưa nhận được phản hồi của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an và Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội.
Về phần mình, vào tháng 4/2022, HAI giải thích rằng trong quá trình thực hiện lập báo cáo tài chính năm 2021, có một số hạng mục phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19 dẫn đến việc công ty cần có thêm thời gian để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán và nhân sự kế toán tài chính của công ty bị nhiễm COVID-19 trong giai đoạn chốt báo cáo, ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ và phải điều chỉnh nhân sự khác thay thế dẫn đến công tác hoàn thành báo cáo tài chính năm 2021 (riêng và hợp nhất) cùng với đơn vị kiểm toán bị gián đoạn.
Nguy cơ hủy niêm yết?
Điểm h, Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020 quy định cổ phiếu công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết nếu tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp.
Với trường hợp FLC và ROS, nếu không tìm được tổ chức kiểm toán chấp nhận thực hiện kiểm toán, nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc là hiện hữu.
Theo quy định cũng tại Khoản 2 Điều này, cổ phiếu huỷ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCOM.
Không chỉ bị hạn chế giao dịch, FLC còn nhiều lần bị xử phạt vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Gần đây nhất, ngày 18/5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt FLC 100 triệu đồng do không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN và trang thông tin điện tử của HoSE các tài liệu BCTC năm 2021 kiểm toán và báo cáo thường niên năm 2021.
Trước đó, cuối tháng 3/2022, tập đoàn này cũng bị UBCKNN xử phạt tổng cộng 495 triệu đồng với các hành vi: công bố thông tin sai lệch, công bố thông tin không đầy đủ, không đảm bảo cơ cấu Thành viên HĐQT độc lập.
Cũng theo điểm O, Khoản 1, Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết khi có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp được Sở giao dịch chứng khoán hoặc UBCKNN xét thấy cần huỷ niêm yết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Đối với trường hợp có khả năng bị huỷ niêm yết, Sở giao dịch chứng khoán sẽ thông báo cho công ty và công bố thông tin ra thị trường, đồng thời có thể yêu cầu công ty báo cáo, giải trình cụ thể tình hình, nguyên nhân nếu cần thiết.
Với trường hợp công ty buộc phải huỷ bỏ niêm yết, Sở giao dịch chứng khoán có thể xem xét cho chứng khoán được tiếp tục giao dịch trong thời hạn tối đa là 30 ngày tính từ thời điểm có quyết định huỷ niêm yết.
Trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định rằng: "Rủi ro hiện hữu về việc hủy niêm yết là có, tuy nhiên tùy trường hợp sẽ có độ trễ khác nhau. Trong quá trình đánh giá, các cơ quan quản lý sẽ cho doanh nghiệp cơ hội giải trình, đánh giá thông tin, đồng thời phải đưa ra biện pháp khắc phục hợp lý. Nếu không làm được thì việc hủy niêm yết là đương nhiên".
Nói rõ hơn về viễn cảnh cổ phiếu nhóm FLC bị hủy niêm yết, ông Đức cho biết: "Tác động của đợt hủy niêm yết sẽ không lớn vì nhóm này đã liên tục tạo đáy trong thời gian qua. Trước những diễn biến mới nhất, các nhà đầu tư cũng đã xác định được rủi ro và tính toán đến kịch bản trên".