Doanh nghiệp

Dẫn đầu về số lượng cửa hàng, Pharmacity bị Long Châu vượt qua doanh thu và lợi nhuận

Tới tháng 3, Pharmacity đạt cột mốc 1.000 cửa hàng và hiện tại nâng lên 1.143 nhà thuốc đạt chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices - Thực hành tốt quản lý nhà thuốc) trên toàn quốc. Như vậy, số lượng cửa hàng của Pharmarcity tiếp tục dẫn đầu thị trường và bỏ xa so đối thủ gần nhất là Long Châu chỉ với 546 cửa hàng vào cuối quý I hay 400 cửa hàng vào cuối 2021.

Dẫn đầu về số lượng cửa hàng, Pharmacity bị Long Châu vượt qua doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 1.

Nguồn: NDH Tổng hợp

Năm 2021 cũng đánh dấu sự hoán đổi vị trí doanh thu giữa 2 chuỗi cửa hàng thuốc lớn nhất thị trường. Theo dữ liệu Người Đồng Hành, Long Châu ghi nhận sự bứt tốc về doanh thu với 3.977 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2020 và vượt qua con số 3.618 tỷ đồng của Pharmacity. Quan trọng hơn, Long Châu đã có lãi trong khi Pharmacity tiếp tục lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Dẫn đầu về số lượng cửa hàng, Pharmacity bị Long Châu vượt qua doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 2.

Đơn vị: Tỷ đồng

Dẫn đầu về số lượng cửa hàng, Pharmacity bị Long Châu vượt qua doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 3.

Đơn vị: Tỷ đồng

Pharmacity tiếp tục lỗ hơn 363 tỷ đồng trong năm 2021, kéo lỗ lũy kế lên 1.374 tỷ đồng. Lỗ đã giảm so với 2020 do biên lợi nhuận cải thiện cùng các khoản chi phí của Pharmacity tăng ít hơn mức tăng doanh thu. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 27,1% của 2020 lên 31,8%. Tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí quản lý - là những khoản chi phí trọng yếu - cũng giảm đáng kể so với doanh thu. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý năm 2021 lần lượt chiếm 29,5% và 11,7% doanh thu thuần, so với mức 33,2% và 14,4% của năm 2020.

Dẫn đầu về số lượng cửa hàng, Pharmacity bị Long Châu vượt qua doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 4.

Đơn vị: Tỷ đồng

Tính tới cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của Pharmacity là 2.565 tỷ đồng, so với chỉ 405 tỷ đồng của năm trước đó. Vốn chủ sở hữu tăng mạnh dù công ty tiếp tục lỗ, một phần do tăng vốn điều lệ từ 528 tỷ đồng lên 927 tỷ đồng và chủ yếu nhờ khoản thặng dư vốn cổ phần tăng từ 888 tỷ đồng lên 3.012 tỷ đồng.

Cách đây 3 năm, Pharmacity được Mekong Capital rót vốn nhưng không tiết lộ số tiền. Sau đó đến 2020, chuỗi này huy động khoảng 730 tỷ đồng trong vòng Series C. Tiếp đến đầu năm trước, công ty mẹ là Maroon Bells cũng đã phát hành hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để có nguồn lực cho việc mở rộng của Pharmacity.

Nguyên nhân thụt lùi của Pharmacity so với Long Châu

CEO Pharmacity Chris Blank từng chia sẻ trong một sự kiện năm 2020 rằng: "Thất bại một năm trở lại đây của Pharmacity là số lượng hàng hoá cung cấp ra thị trường không đủ, khách hàng phàn nàn nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là kho dự trữ quá nhỏ và luôn quá tải. Do đó, để đáp ứng mục tiêu mở mới một cửa hàng/ngày hướng đến đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021, Pharmacity đã tìm hiểu các đối tác về chuỗi cung ứng tại Việt Nam".

Để thực hiện tham vọng này, Pharmacity đã hợp tác với công ty DH Logistic Property Việt Nam (thuộc Tập đoàn Daiwa House, Nhật Bản) mở trung tâm phân phối hàng hóa tại khu công nghiệp Lộc An (Đồng Nai) với diện tích thuê 10.635 m2 trong 20 năm. Tổng số tiền Pharmacity đầu tư vào dự án này khoảng 3 triệu USD.

Tuy nhiên, sự bổ sung này vẫn chưa giúp cho hoạt động kinh doanh của Pharmacity có lãi. Bên cạnh đó, ông Chris Blank từng chia sẻ người Việt Nam chưa quen với kiểu mua sắm "lai" giữa nhà thuốc và cửa hàng tiện lợi của Pharmacity, dù công ty từng đưa ra các chương trình khuyến mại để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail  (HoSE:FRT) – công ty mẹ của Dược phẩm FPT Long Châu từng lý giải lý do Long Châu chưa phát triển theo mô hình mua sắm kết hợp của Pharmacity là do mô hình này là của tương lai chứ không phải thời điểm hiện tại, người dân Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng vào cửa hàng thuốc tây để mua hàng tiêu dùng.

Theo SSI Research, mặc dù đều là các chuỗi bán lẻ dược phẩm nhưng cơ cấu ngành hàng của 3 chuỗi này khác nhau. Nếu như Pharmacity có tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc chiếm lên đến hơn 70% thì tại Long Châu, tỷ trọng thuốc là 70-80%. An Khang hiện cân bằng giữa hai nhóm. Ngoài dược phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế, Pharmacity còn bán các sản phẩm ở mảng như chăm sóc cá nhân, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, mẹ và bé…

Nhận định về tương lai, ông Chris Blank đánh giá ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam có quy mô khoảng 7,4 tỷ USD và chi tiêu cho dược phẩm tăng bình quân 14%/năm trong một thập kỷ qua. Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của Pharmacity là đạt doanh thu 1,5 tỷ USD (khoảng 35.000 tỷ đồng) và tạo ra lực lượng lao động hơn 20.000 nhân viên. Vị CEO kỳ vọng tới năm 2025, hệ thống Pharmacity được mở rộng lên đến 5.000 nhà thuốc trên khắp cả nước, mục tiêu 50% người dân Việt Nam có thể tiếp cận một nhà thuốc trong vòng 10 phút di chuyển.

Như vậy, để đạt được mục tiêu, Pharmacity cần phải gấp gần 10 lần doanh thu trong 4 năm tới, cùng với việc mở rộng gần 5 lần số cửa hàng.

Không chỉ Pharmacity, hai chuỗi nhà thuốc lớn như An Khang và Long Châu đều có tham vọng mở rộng quy mô. SSI Research cho biết, kế hoạch đầy tham vọng của 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu sẽ đưa tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc lên 7.300 cửa hàng trong năm 2025. Tuy nhiên, con số này mới tương đương 16% thị phần số cửa hàng thuốc trên toàn quốc.

Dẫn đầu về số lượng cửa hàng, Pharmacity bị Long Châu vượt qua doanh thu và lợi nhuận - Ảnh 5.

Nguồn: SSI Research.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm