Phong cách sống

Startup 9 năm tuổi có thêm một triệu khách hàng mới nhờ đại dịch

Nếu bạn nhận được một chiếc bánh pizza nhân thập cẩm đông lạnh của Lou Malnati hoặc bánh pho mát của Junior - đặc biệt là vào mùa hè năm 2020 - bạn có thể sẽ phải cảm ơn Goldbelly.

Trang web giao đồ ăn 9 năm tuổi này hướng đến mục tiêu chuyển đồ ăn từ các nhà hàng nổi tiếng trên khắp nước Mỹ đến những khách hàng “đang đói bụng” ở khắp mọi nơi. Như người sáng lập Joe Ariel nói, trang web hoàn toàn phù hợp với thời đại dịch – khi các biện pháp giãn cách buộc người dân phải ở nhà. Nhiều người Mỹ đã phải trải qua “nỗi nhớ đồ ăn” da diết. Đồng thời, các nhà hàng ở toàn nước Mỹ cũng cần phải đưa ra các sáng kiến để duy trì hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi có thể là công ty phát triển nhanh nhất của nước Mỹ trong năm đó”, Joe Ariel nói.

Goldbelly cho biết công ty đã có thêm một triệu khách hàng mới vào năm 2020, với doanh số tăng 300% so với năm 2019. Ariel từ chối chia sẻ số liệu doanh thu cụ thể nhưng nhấn mạnh Goldbelly đã tận dụng được cơ hội và huy động thành công 100 triệu USD từ các nhà đầu tư vào tháng 5/2021. Hiện tại, công ty có một đội ngũ 160 người và hợp tác với hơn 1.000 nhà hàng ở tất cả 50 tiểu bang của Mỹ.

Tính đến nay, Goldbelly đã gọi vốn hơn 133 triệu USD từ các nhà đầu tư như công ty cổ phần tư nhân Spectrum Equity và người sáng lập Shake Shack, Danny Meyer. Ariel hợp tác với các đầu bếp và chủ nhà hàng nổi tiếng thế giới như David Chang, Wolfgang Puck và Marcus Samuelsson.

Nhà sáng lập Ariel đã đặt cược cho xu hướng người tiêu dùng sẽ có nhu cầu cao hơn nhiều so với các dịch vụ giao hàng nội địa từ các công ty như Grubhub và Uber Eats. Và hơn hết, ông hy vọng mọi người sẽ trả phí cao hơn cho những món ăn mà họ không thể đặt hàng.

Cho đến hiện tại, dường như ông đã đúng.

Startup 9 năm tuổi có thêm một triệu khách hàng mới nhờ đại dịch - Ảnh 1.

Goldbelly có thêm một triệu khách hàng nhờ đại dịch Covid-19. Ảnh: CNBC

"Khoảnh khắc kỳ diệu"

Ariel thành lập công ty khởi nghiệp trực tuyến đầu tiên của mình ở tuổi 25 với một website bao gồm các menu đồ ăn nội địa mang đi có tên là Eats.com vào năm 2002. Trang web đã phát triển, thu hút 25.000 lượt truy cập mỗi tháng vào thời điểm Ariel bán nó cho Delivery.com vào năm 2009. Giá trị thương vụ không được tiết lộ tuy nhiên được Ariel mô tả là “một khoản tiền thay đổi cuộc đời”.

Sau khi thương vụ hoàn tất, Ariel đã có hơn một năm làm CEO Delivery.com. Khi rời đi vào năm 2010, ông đã đạt được tự do tài chính và mong muốn xây dựng một cái gì đó của riêng mình. Hai câu hỏi xuất hiện trong đầu Ariel là “Tương lai của đồ ăn là gì?" và "Đâu là điều tôi yêu thích nhất?"

Vào thời điểm đó, Ariel đang sống ở thành phố New York, thánh địa ẩm thực với hàng chục nghìn nhà hàng. Nhưng ông vẫn không ngừng suy nghĩ về các món ăn mà bản thân được thưởng thức khi còn là sinh viên tại Đại học Vanderbilt. Ông đã gọi cho các quán ăn ở Nashville và đề nghị họ chuyển thịt nướng đến New York. Thi thoảng ông cũng nhận được món ăn địa phương đó, đựng trong các hộp của hãng chuyển phát FedEx. Điều này khiến cho ông có một cảm giác vui thích mang tính “hoài cổ”, một cảm giác mà không một nhà hàng ở New York nào có thể đem đến được.

Ông nhận ra rằng phần lớn mọi người sẽ không nghĩ đến việc đặt đồ ăn tại các nhà hàng ở những thành phố khác như ông đã làm. Và Ariel chia sẻ ý tưởng này với vợ của mình, Vanessa. Vợ ông khi đó đã nói: “Cảm giác này là do trải nghiệm đầu tiên về món ăn của anh và nó dựa trên những gì anh yêu thích, không phải là nơi anh sống".

“Đó là khoảnh khắc kỳ diệu. Chúng ta có thể đóng góp và lan tỏa niềm vui, hạnh phúc và sự thoải mái này bằng việc tạo ra dịch vụ cung cấp bất kỳ món ăn nào mà bạn mơ ước, dù bạn ở đâu”, Ariel nói.

"Hàng triệu khách hàng mới"

Ariel, vợ của ông cũng như các đồng sáng lập Joel Gillman và Trevor Stow đã tiếp cận bạn bè và gia đình để huy động một khoản tiền trong vòng hạt giống. Cuối cùng họ thu được 200.000 USD để xây dựng phiên bản beta của trang web Goldbelly. Từ đó, thử thách đầu tiên của Ariel là thuyết phục các nhà hàng cam kết thời gian và nguồn lực để đóng gói một số món ăn phổ biến nhất trong thực đơn của họ và giao cho Goldbelly để vận chuyển trên toàn quốc.

“Họ không biết tôi là ai", Ariel nói về cảm nhận của các chủ nhà hàng. “9 trong số 10 người nói với tôi rằng nên bỏ qua ý tưởng này”.

Sự thận trọng đó đã biến mất sau khi Goldbelly chính thức ra mắt. Ariel đã có được sự hậu thuẫn của Y Combinator – một đơn vị đầu tư cho các công ty khởi nghiệp vào năm 2013 và Goldbelly lọt vào danh sách 50 trang web tốt nhất của tạp chí Time năm đó. Đến năm 2019, Goldbelly có cơ sở dữ liệu khách hàng khoảng 2 triệu người. Điều này thể hiện một xu hướng rõ ràng rằng người tiêu dùng sẵn sàng trả phí cao cho các loại món ăn phổ biến trên khắp đất nước - cho bản thân hoặc làm quà tặng cho bạn bè và gia đình.

Thực tế, Goldbelly không hề rẻ với chi phí vận chuyển chiếm phần lớn trong phần giá bị "đội thêm".

Ariel nói: “Sứ mệnh của chúng tôi với tư cách là một công ty là mang đến những trải nghiệm ẩm thực kỳ diệu nhất trên thế giới, chứ không phải là mang đến những trải nghiệm đồ ăn rẻ tiền nhất. Dịch vụ của chúng tôi không phải để giao bữa trưa của bạn trong 15 phút. Chúng tôi muốn cung cấp một cái gì đó khác biệt".

Tuy nhiên, Goldbelly vẫn còn được ít người biết đến cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Nhiều người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm ẩm thực thú vị hoặc những món ăn “hoài cổ” được giao đến tận nhà của họ. Và các chủ nhà hàng, nắm bắt được xu hướng, nhận thấy dịch vụ của Goldbelly cũng có thể cho phép họ tiếp cận những khách hàng mới ở xa địa phương của mình.

Ariel cho biết trước Covid-19, nhiều đầu bếp nổi tiếng cảm thấy do dự khi ký hợp đồng vì nghĩ rằng nó giống như một mánh lới quảng cáo hơn là một sự cần thiết. Ông đưa ví dụ về người sáng lập Momofuku và David Chang – một nhân vật truyền hình, sở hữu một chuỗi các nhà hàng, như một minh chứng cho sự thay đổi trong thời gian đại dịch. Họ đã gia nhập Goldbelly vào tháng 11/2020.

Theo Ariel, ông biết rõ sự phát triển của Goldbelly nhờ đại dịch sẽ không tiếp tục mãi mãi tuy nhiên miễn là mọi người sẵn sàng trả tiền cho món ăn họ yêu thích, công ty vẫn sẽ ổn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm