Mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới đã suy giảm, các vấn đề xung quanh chuỗi cung ứng, chủ yếu là sự thiếu hụt chất bán dẫn, vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết các ngành công nghiệp.
Đây là nhận định từ báo cáo mới đây của Avnet Silica, doanh nghiệp phân phối linh kiện điện tử và bán dẫn có trụ sở ở Mỹ.
Báo cáo được đội ngũ chuyên gia Avnet đánh giá dựa trên 30.111 cuộc họp cấp cao của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2022.
Trong đó, vấn đề về chuỗi cung ứng chiếm hơn 60% nội dung các cuộc họp vào năm 2022. Con số này trong năm 2021 và 2020 lần lượt là 47% và 37%.
Phần lớn các vấn đề của chuỗi cung ứng liên quan đến sự thiếu hụt chất bán dẫn, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng và vượt xa nguồn cung.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự trái ngược với những quan điểm ban đầu rằng việc đóng cửa do đại dịch là nguyên nhân gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo ông Mat Ransom, Giám đốc chuỗi cung ứng tại Avnet, nhận định đại dịch chắc chắn đã tạo thêm nhiều áp lực cho hệ thống cung ứng toàn cầu, khi các cảng và nhà máy buộc phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa.
"Tuy nhiên, nếu thực sự nguyên đến từ dịch bệnh, đáng nhẽ phần lớn công ty đã phải phục hồi vào lúc này", ông nói.
Vị lãnh đạo cả Avnet đánh giá nguyên nhân khiến lượng cầu vượt cung là do tỷ lệ đầu tư vốn hàng năm vào sản xuất chất bán dẫn tương đối thấp, khiến khả năng mở rộng công suất chững lại.
Báo cáo chỉ ra rằng trong 4 năm tới, giá trị đầu tư các các công ty sản xuất chip lớn chỉ đạt xấp xỉ 15% so với nhu cầu.
"Việc nâng cao năng suất là cả một quá trình lâu dài. Mới có một số nhà máy bán dẫn được dự định đưa vào hoạt động trong 5 đến 6 năm tới, trong khi đó nhu cầu vẫn đang tiếp tục tăng cao", ông Ransom chia sẻ.
Báo cáo của Avnet nghiên cứu trên 20 nhóm ngành công nghiệp, có thể kể tới như điện tử tiêu dùng, ô tô, hàng không vũ trụ và quốc phòng, viễn thông, thời trang, bán lẻ, tập đoàn, đồ uống và nông nghiệp, ....
Trong đó, vấn đề về chuỗi cung ứng được nhắc đến 100% trong các cuộc họp cấp cao của 12 ngành công nghiệp, bao gồm ô tô, linh kiện điện tử, phần cứng máy tính, năng lượng mặt trời, thời trang, đồ gia dụng, hàng không vũ trụ và quốc phòng, địa chất.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng chỉ ra lạm phát và vấn đề nhân lực là 2 khó khăn lớn khác mà các ngành công nghiệp trên phải đối mặt.
(theo ARN)