ENDO 2022 là hội nghị thường niên của Hiệp hội Nội tiết Mỹ, vừa tổ chức tại Atlanta vào cuối tuần trước. Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Theodore Friedman từ Đại học Charles R. Drew - Mỹ cho thấy nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu có thể gắn liền với cách thức một người tiêu thụ đường fructose.
Đường fructose có thể là một phần của chế độ ăn tốt, tuy nhiên cần điều độ và ăn đúng món, đúng dạng chế biến - Ảnh minh họa từ Internet
Đường fructose là loại đường tạo nên vị ngọt tự nhiên của mật ong hay một số loại trái cây, thường được coi là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng quá mức, thì nó không còn lành mạnh, các nhà khoa học khẳng định.
Trước đây, đã có những lời khuyên liên quan đến việc tiêu thụ quá mức nước ép trái cây hay mật ong - vốn cũng có thể làm tăng cân, tăng nguy cơ loạn chuyển hóa và khiến các tác dụng tốt bị lấn át, bởi suy cho cùng, đường vẫn là đường.
Nhưng cách dùng nguy hiểm nhất là tiêu thụ nó thông qua nước ngọt và các loại bánh kẹo dùng si-rô ngô. Chất làm ngọt phổ biến khi làm bánh này được bào chế từ đường fructose có trong những trái bắp, và sử dụng dưới dạng này dễ làm bạn nạp nhiều fructose hơn hẳn việc ăn hay uống những món trực tiếp có chứa nó.
"Thực phẩm chứa nhiều đường fructose có liên quan đến các rối loạn chuyển hóa như béo phì và tiểu đường, là 2 nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ không do rượu" - tờ Medical Xpress trích dẫn phân tích của nhóm nghiên cứu.
Kết quả được đưa ra từ cuộc phân tích dữ liệu 3.292 người, thu thập bởi cuộc khảo sát "Kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia" giai đoạn 2017-2018.
Gan nhiễm mỡ thường được liên kết với việc tiêu thụ nhiều rượu, tuy nhiên gan nhiễm mỡ không do rượu cũng nguy hiểm không kém. Ước tính có tới 24% người trưởng thành ở Mỹ mắc gan nhiễm mở không do rượu. Vấn đề này có thể dẫn đến tổn thương gan mạn tính, nặng nề hơn là tử vong sớm.