Công nhân nghỉ làm đi xin xác nhận thủ tục
Đầu giờ chiều ngày thứ 2, anh Nguyễn Mạnh Huân (công nhân một công ty tại Đông Anh, Hà Nội) cầm trên tay tập giấy tờ, vừa dắt xe ra khỏi phòng trọ vừa lẩm bẩm: “Hôm nay đã là buổi thứ 3 phải nghỉ làm để đi làm nốt thủ tục xin hỗ trợ tiền trọ”.
Anh Mạnh Huân thuê trọ tại thôn Hải Bối (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Đến thời điểm hiện tại, anh đã làm việc ở Công ty được 2 năm và thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ở mức 500.000 đồng/tháng.
Quyết định có hiệu lực từ 1/4/2022 nhưng quá trình tiến hành làm thủ tục để nhận hỗ trợ của anh Huân cũng như nhiều công nhân khác vô cùng khó khăn.
Theo anh Huân, anh nhận được hướng dẫn của công ty từ cuối tháng 4, trong đó thủ tục bao gồm một tờ đơn ghi đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về đơn vị làm việc, thời gian làm việc, địa chỉ tạm trú tạm vắng, thời gian ở trọ… Anh khấp khởi in đơn sau đó nhờ chủ nhà ký xác nhận vì nghĩ: “Nếu được hỗ trợ tiền thuê trọ 3 tháng cũng giúp tôi đỡ gánh nặng chi tiêu” – Anh Huân chia sẻ.
Cuộc sống của công nhân trong những khu nhà trọ ở Đông Anh, Hà Nội.
Song quá trình làm thủ tục gặp nhiều rắc rối do khách quan của chủ trọ, các vấn đề liên quan đến giấy phép kinh doanh, tạm trú tạm vắng... anh Huân phải mất cả tháng để xin xác nhận giấy tờ từ làm việc với chủ trọ tới công an địa phương.
Do đặc thù làm ca, kíp, lệch giờ với cơ quan xác nhận thủ tục làm giờ hành chính, anh Huân đã phải xin nghỉ làm 2 - 3 ngày. “Mỗi tháng được giảm 500.000 đồng, tiền thì không biết bao giờ mới đến tay nhưng nghỉ làm, nghỉ tăng ca trước mắt đã bị mất lương mấy ngày nghỉ rồi”. – Anh Huân chia sẻ.
Thuận lợi hơn những công nhân khác, đến nay, chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam) đã nộp đầy đủ photo tạm trú, tạm vắng và xác nhận của chủ nhà trọ cho Công ty. Nhưng khoản hỗ trợ này bao giờ mới được giải ngân thì vẫn chưa có thời điểm cụ thể.
“Đã ở trọ tại đây được 4 năm nên được chủ trọ tạo điều kiện trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, có điều đến các thủ tục hành chính cũng hơi lâu. Tôi mong các đơn vị liên quan giải quyết hồ sơ một cách nhanh gọn nhất để chúng tôi sớm được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước", chị Thanh chia sẻ.
Doanh nghiệp kiến nghị đơn giản hóa thủ tục
Lý giải vấn đề chậm chi trả hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang mắc ở khâu đầu tiên là nhận đơn đề nghị vì phải chờ công nhân xin được xác nhận của chủ nhà trọ.
Ngoài ra theo quy định, công ty nhận đơn, lập danh sách, niêm yết công khai trong 3 ngày rồi nộp cho Bảo hiểm xã hội, có thể xác nhận gộp 2-3 tháng. Nhiều nơi chọn cách tập hợp đủ hồ sơ để gửi một lần, không “xé lẻ” để đỡ mất công và người lao động không phải làm đơn nhiều lần.
“Hơn ai hết chúng tôi mong muốn người lao động nhận được hỗ trợ càng sớm càng tốt. Doanh nghiệp cam kết sẽ triển khai nhanh nhất có thể nhưng vấn đề thủ tục, xin xác nhận của công nhân ở nơi cư trú đang là rào cản”, anh Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (khu công nghiệp Thạch Thất) cho hay.
Sau 2 tháng triển khai, đến nay, nhiều doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đang rục rịch ở bước làm thủ tục.
Theo Quyết định 08 của Chính phủ, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, có ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022 sẽ nhận mức 500.000 đồng/người/tháng.
Với mức nhận hỗ trợ tiền thuê nhà 1.000.000 đồng/người/tháng, dành cho người lao động quay trở lại thị trường và đảm bảo điều kiện có ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022.
Anh Hải chia sẻ thêm, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam có hơn 5.000 lao động đang làm việc và khoảng 600 công nhân trong số này đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 08.
Sau khi Hà Nội ban hành kế hoạch, đầu tháng 5, Công ty đã thông báo cho lao động làm hồ sơ. Dù đã khoảng 1 tháng nhưng đến nay các khâu “vẫn chưa đâu vào đâu” do người lao động nộp đơn nhỏ giọt.
Qua quá trình triển khai, phía Công đoàn nhận được phản ánh của công nhân gặp khó khăn trong việc xin xác nhận của chủ trọ và chính quyền địa phương nơi tạm trú.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam nhận định chắc chắn mất thêm thời gian do không phải chủ nhà nào cũng có mặt tại địa phương để xác nhận cho người lao động và không phải ai cũng sẵn lòng cung cấp số căn cước hay chứng minh thư. Công nhân đi làm cả ngày, chưa kể tăng ca, không phải lúc nào cũng ở nhà để có thể xin được xác nhận từ chủ trọ.
Anh Phan Thanh Hải cho rằng, chính sách hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và rất có ý nghĩa với người lao động, nhưng cũng cần có sự linh hoạt, thông thoáng: “Từ hình hình thực tế, để đáp ứng đúng quy định, thủ tục đưa ra theo gói hỗ trợ thuê trọ thì hết sức khó khăn. Phía đơn vị, người lao động cũng như Công đoàn mong muốn có thủ tục đơn giản hơn, có thể từ phía Công đoàn cơ sở hoặc kết hợp với doanh nghiệp để xác nhận cho người lao động”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Liệu, Chủ tịch Công đoàn Công ty Ogino Việt Nam, cho biết, Công ty có khoảng 500 công nhân lao động. Việc nhận, thẩm định hồ sơ của công nhân lao động đang rất mất thời gian do thủ tục chưa hoàn thiện.
“Công ty kiến nghị các đơn vị chức năng trao quyền cho Công ty xác nhận tình trạng thuê trọ của công nhân hoặc Công ty bảo lãnh cho công nhân thì công tác thẩm định sẽ nhanh và đơn giản hơn cho các bên liên quan. Ở Công ty tôi, phòng hành chính nhân sự đang quản lý vấn đề này, có thể xác nhận được công nhân đang ở đâu, làm gì. Quyết định 08 của Chính phủ rất nhân văn và thiết thực, nhưng một gói hỗ trợ lớn mà rất lâu sau mới đến tay người lao động thì sẽ dễ mất dần ý nghĩa”, anh Liệu bày tỏ.