Thị trường chứng khoán Việt Nam lại bị bán tháo trước nỗi lo ngại lạm phát tại Mỹ
Việc thị trường chứng khoán Mỹ bị xả mạnh trong hai phiên cuối tuần trước (9 - 10/6) đã tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sắc đỏ tràn ngập thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường tiền số và thị trường chứng khoán Việt Nam không phải ngoại lệ trong phiên hôm nay (13/6).
Dường như nỗi lo “bóng ma” lạm phát theo dữ liệu Mỹ công bố cuối tuần vừa qua lan tỏa sang các thị trường châu Á. Con số CPI của Mỹ cao kỷ lục trong hơn 40 năm và vượt ngoài dự báo của giới chuyên gia đã dấy lên lo ngại về khả năng xuất hiện cuộc suy thoái.
Theo đà bán mạnh cuối tuần trước, VN-Index giảm sâu trên 30 điểm ngay từ những phút giao dịch đầu phiên. Nỗ lực từ phía cầu chỉ giúp thị trường có được những đợt hồi ngắn trong phiên. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 57,04 điểm (tương đương tỷ lệ 4,44%) xuống 1.227,04 điểm. Tồi tệ hơn, chỉ số của sàn HNX giảm đến 5,9% xuống còn 288,37 điểm.
Mức giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay cao hơn một số thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc (3,52%), Nhật Bản (3,01%), Đài Loan (2,36%), Philippine (0,97%).
Tương tự như đợt giảm điểm trong tháng 5, cổ phiếu giảm sàn la liệt trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng cộng thị trường có 919 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó 236 mã chứng khoán giảm kịch sàn. Riêng sàn HOSE có 162 cổ phiếu giảm sàn, rổ VN30 có 7 mã. Những cổ phiếu dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị hôm nay có HQC, ROS, FLC, IDI, ASM, SSI.
Một điểm tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay đó là sự cải thiện về thanh khoản, thể hiện lực cầu thường trực mua vào. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 22.831 tỷ đồng, đã lâu rồi giới đầu tư mới lại chứng kiến ngưỡng thanh khoản sát mốc 1 tỷ USD. Riêng trên HOSE, giá trị giao dịch đạt 18.523 tỷ đồng, trong khi thanh khoản phiên trước đó đạt 16.957 tỷ đồng, trung bình 1 tuần (16.550 tỷ đồng), 2 tuần (16.123 tỷ đồng) và 1 tháng (15.185 tỷ đồng).
Lạm phát tại Việt Nam đã thực sự đáng lo?
Trở lại câu chuyện như đề cập đầu bài viết, “bóng ma” lạm phát một lần nữa trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong cơn bĩ cực, nhà đầu tư đặt lệnh bán bất chấp những dự báo tích cực được công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đưa ra trước đó rằng Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu 4% của quốc hội, nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt.
Trong báo cáo phân tích cập nhật đầu tháng 6 của Chứng khoán BSC, CPI năm 2022 dự báo ở mức 3,6% trong kịch bản tích cực và 5,1% trong kịch bản tiêu cực do giá dầu duy trì đà tăng cao. Các giả định chính gồm giá dầu brent trung bình quanh ngưỡng 100 USD/thùng, giá lợn giao dịch trong vùng 55.000 – 80.000 đồng/kg, giá dịch vụ y tế, giá điện tăng trở lại trong kịch bản tiêu cực và đi ngang trong kịch bản tích cực.
Theo dự báo của những đơn vị như MBS, Mirae Asset (Việt Nam), Dragon Capital, lạm phát tại Việt Nam sẽ kiểm soát dưới ngưỡng 4% như quốc hội thông qua và có áp lực tăng trong năm 2023. Còn theo VinaCaptial, lạm phát Việt Nam năm nay có thể đạt 4,5%, cao hơn so với mục tiêu.
Dường như trong mắt những quỹ đầu tư và công ty chứng khoán, bức tranh vĩ mô Việt Nam vẫn tương đối sáng màu. Song, những lo ngại về áp lực lạm phát không thể bỏ qua trước ẩn số lớn là giá xăng dầu, tình trạng leo thang của nhiều loại hàng hóa.
Trong nước, giá xăng dầu liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới trong những lần điều chỉnh gần đây. Chiều ngày 13/6, giá xăng RON95-III tăng thêm 797 đồng/lít lên ngưỡng 32.375 đồng/lít.
Trước những diễn biến về giá xăng dầu và giá lương thực, khối phân tích của VCBS cho rằng áp lực lạm phát vẫn rất lớn. Theo dự báo của đơn vị này CPI tháng 6/2022 có thể tăng 0,4 – 0,5% so với tháng 5, tương ứng mức tăng 3,08 – 3,18% so với năm trước. Điều này gửi đi những thông điệp cảnh báo tới thị trường khi tình hình vĩ mô có thể diễn biến khó lường hơn.
Tuy vậy, trong bức tranh tổng quan, vĩ mô Việt Nam vẫn đang có những điểm sáng hơn là những lo ngại, đơn cử nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt khi dịch COVID-19 được kiểm soát thành công, sản xuất công nghiệp, bán lẻ có sự hồi phục. Hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại trong tháng 5 nhưng trong 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu vẫn tăng trưởng 16,3% và 14,9% so với cùng kỳ.
Ngoài những khía cạnh trên, Việt Nam còn đang có những động lực tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, gói kích thích kinh tế, hoạt động thu hút dòng vốn FDI.