Doanh nhân

Điều ít biết về doanh nghiệp đứng sau thương hiệu Richy và Karo thường được Shark Phú tự hào quảng bá trên Shark Tank

Năm nay là năm thứ 5, ông chủ Sunhouse Nguyễn Xuân Phú ngồi ghế chính tại chương trình Shark Tank Việt Nam. Sức hút của chương trình đã giúp thương hiệu cá nhân của Shark Phú, cũng như các thương hiệu do ông xây dựng như đồ gia dụng Sunhouse, bánh gạo Richy hay bánh ruốc Karo được quảng bá rộng rãi hơn. Không ít lần, vị cá mập kỳ cựu này đem ra mô hình kinh doanh của các dự án của mình làm tham chiếu cho các mô hình của các startup đến gọi vốn, hoặc thậm chí sử dụng hệ sinh thái và kinh nghiệm từ đó để chào mời thu hút các startup tham gia.

Còn nhớ trong tập 7 Shark Tank Việt Nam mùa 4, ở màn gọi vốn của công ty bán thanh protein Begin 365, Shark Phú đã tiết lộ một số thông tin về nhà máy sản xuất Karo.

Khi CEO Begin 365 cho biết nhà máy của cô có diện tích 200 m2, năng lực sản xuất 20.000 thanh/ngày, Shark Phú bình luận: "20.000 thanh thì đáng bao nhiêu đâu. Bánh Karo của bọn anh, một ngày sản xuất một line, doanh số đã khoảng 1 tỷ đồng rồi. Mà anh có 5 line. Nếu ngành thực phẩm này đã vào thì số nó cực lớn, vấn đề là làm thế nào để vào được thôi". 

Theo thông tin Shark Phú cung cấp, có thể ước tính, sản lượng sản xuất bánh Karo vào khoảng 5 tỷ đồng/ngày.

Ông chủ Sunhouse cũng nói thêm: "Thực ra anh có công ty thực phẩm rất lớn, đội ngũ sale cỡ khoảng 1.500 người, doanh thu dự kiến năm nay khoảng 3.000 tỷ đồng."

Tới tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 5 phát sóng ngày 12/06/2022, Richy một lần nữa lại được nhắc đến qua tiết lộ của shark Phú với con số doanh thu lên đến 3.000 tỷ đồng.

Không nhiều người biết, đứng sau thương hiệu Richy là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, một doanh nghiệp có hơn 20 năm phát triển, do doanh nhân Trần Sỹ Trực sáng lập. Ông Nguyễn Xuân Phú góp mặt trong danh sách thành viên góp vốn của công ty này từ đầu năm 2019, với tỷ lệ góp vốn tại thời điểm ấy gần 22%. Cùng với ông Phú, số lượng thành viên góp vốn của công ty Hoàng Mai lên tới 8 người, tổng số vốn điều lệ gần nhất là 96 tỷ đồng.

Công ty TNHH thương mại và sản xuất Hoàng Mai được thành lập vào năm 2001, và là doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu bánh kẹo "ngoại" về Việt Nam. Theo công bố của Vietnam Report, Hoàng Mai cùng thương hiệu Richy là 1 trong 10 Công ty uy tín ngành Thực phẩm - Đồ uống của năm 2021. 

Điều ít biết về doanh nghiệp đứng sau thương hiệu Richy và Karo thường được Shark Phú tự hào quảng bá trên Shark Tank - Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh hiện nay của Hoàng Mai song song giữa thương mại (hàng nhập khẩu) và sản xuất các sản phẩm (bánh kẹo) mang thương hiệu Richy.

Theo giới thiệu trên website, doanh nghiệp hiện đang phân phối 167 sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như Chocolate Rosen, Rinda, GPG Food, kẹo Elvan, Lam bertz, Apollo,...

Về sản phẩm tự sản xuất, có lẽ nói đến Richy, người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến bánh gạo. Trên thực tế, Richy còn có những dòng sản phẩm khác như bánh trứng, bánh tươi (nổi tiếng nhất là Karo), bánh stick, bánh yến mạch, bánh quy,...

Điều ít biết về doanh nghiệp đứng sau thương hiệu Richy và Karo thường được Shark Phú tự hào quảng bá trên Shark Tank - Ảnh 2.

Richy không chỉ có bánh gạo!

Các sản phẩm Richy hiện được sản xuất tại nhà máy Richy miền Bắc tại cụm Công nghiệp thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) và KCN Trảng Bàng (Tây Ninh) dưới 2 pháp nhân là Công ty Richy miền Bắc và Công ty Richy miền Nam.

Theo tìm hiểu, công ty Richy miền Nam được thành lập từ 2007, tiền thân từ Công ty cổ phần sữa và bánh kẹo Hoàng Đế với vốn điều lệ lên tới 325 tỷ đồng. Tương tự, Richy miền Bắc được thành lập từ năm 2009. 

2 doanh nghiệp không công khai tỷ trọng giữa doanh thu thương mại (hàng nhập khẩu) và doanh thu sản xuất (sản phẩm Richy), nhưng theo 1 nguồn số liệu từ Trí thức trẻ, doanh thu của công ty Hoàng Mai năm 2019 vào khoảng gần  2.200 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu 2 nhà máy Richy chỉ bằng 1/4, khoảng hơn 500 tỷ đồng. Theo quan sát của chúng tôi, từ năm 2020 Richy không có nhà máy mới.

Điều ít biết về doanh nghiệp đứng sau thương hiệu Richy và Karo thường được Shark Phú tự hào quảng bá trên Shark Tank - Ảnh 3.


Cơ cấu doanh thu - lợi nhuận và "cái khó vô cùng" của ngành thực phẩm

Thông thường, biên lợi nhuận gộp của sản phẩm sản xuất sẽ cao hơn so với sản phẩm thương mại. Như trong tập 7 mùa 4, trong phần trình bày của Startup, Shark Phú hỏi: "Dự kiến giữa giá vốn với giá bán của bọn em là bao nhiêu?". Startup nhanh chóng trả lời: "Hiện tại cấu trúc giá của bọn em 25% là giá vốn"

Shark Phú tiếp lời "còn đâu 75% là chi phí khác và lãi" kèm nhận xét: "Đây cũng là công thức chung của ngành thực phẩm". 

Tuy nhiên, theo ông Phú, khó khăn nhất là giai đoạn đầu tiên khi được sản phẩm đến tay người dùng và chiếm lĩnh được lòng tin của họ. Khó và " tốn vô cùng", Shark Phú nhấn mạnh. 

Câu chuyện ra mắt sản phẩm Karo cũng được vị cá mập này chia sẻ.Theo đó, công ty Richy khi ra mắt phải lauching đến lần thứ 3, thậm chí phải đổi tên thương hiệu thì mới thành công. Việc giới thiệu, đưa một sản phẩm mới vào thị trường để người dùng nắm bắt được không hề đơn giản, ngay cả khi sản phẩm có chất lượng tốt.

"Trong ngành thực phẩm, để thành công cực kỳ tốn kém", Shark Phú một lần nữa nhắc lại.

Các sản phẩm Richy có thể được hưởng lợi thế từ hệ thống phân phối bán hàng có sẵn mà công ty Hoàng Mai đã gây dựng từ năm 2001. Việc làm sản xuất sau khi đã xây được hệ thống phân phối sẽ khắc phục được rào cản "cực kỳ tốn kém" mà shark Phú nói ở trên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm