Báo cáo chiến lược thị trường tháng 9 của SSI Research chỉ ra, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua tháng 8 nhiều biến động do lo ngại chính sách thắt chặt của Fed có thể kéo dài hơn dự kiến khiến lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng trở lại. Trong nước, áp lực chốt lời ngắn hạn cộng hưởng rủi ro tỷ giá khiến VN-Index diễn ra rung lắc mạnh, nhất là vào phiên 18/8 với biên độ điều chỉnh lên đến 4,5%.
Nếu như VIC đi cùng câu chuyện Vinfast niêm yết sàn Nasdaq hỗ trợ thị trường trong nửa đầu tháng thì động lực tích cực từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ tiếp tục nâng đỡ thị trường hồi phục trở lại trước áp lực điều chỉnh trong tuần thứ 3 của tháng.
Nhờ vậy, VN-Index khép lại tháng 8 quay trở lại trên mốc tâm lý 1.200 và đóng cửa ở ngưỡng 1.224 điểm, gần như không thay đổi về điểm số so với cuối tháng 7. Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục cho thấy diễn biến tích cực hơn so với các nước trong khu vực cả trong tháng 8 và kể từ đầu năm.
Theo các nhà phân tích, chính sách lãi suất thấp tiếp tục thúc đẩy dòng tiền vào kênh chứng khoán. Giá trị giao dịch bình quân phiên sàn HOSE tăng 21% so với tháng 7 lên mức 22,2 nghìn tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 5/2022 và cao hơn đáng kể so với 14 nghìn tỷ đồng ở 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong 8 tháng vẫn còn thấp hơn 18% so với mức bình quân năm 2022.
VN-Index vượt qua biến động điều chỉnh và lấy lại cân bằng trong tháng 8, chỉ số đóng cửa tăng nhẹ so với tháng 7. Tổng khớp lệnh của tháng 8 đạt 22,43 tỷ đơn vị, cao nhất trong năm 2023 cho thấy sự nhộn nhịp của thị trường.
Sau khi quay lại xu hướng chính tính từ tháng 5, thị trường chứng khoán cần sự tích lũy ở xu hướng hiện tại và khả năng kéo dài xuyên suốt trong chu kỳ tháng 9. Các chỉ báo như RSI và ADX tỏ tín hiệu suy giảm nhẹ, điều này cũng thể hiện sự tích lũy của xu hướng trung hạn. Quá trình tích lũy khả năng sẽ diễn ra trong kênh giá 1.180 - 1.295.
SSI Research cho rằng các yếu tố thúc đẩy thị trường tăng trưởng trung và dài hạn vẫn được duy trì.
Về vĩ mô, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và đã về ngang giai đoạn 2021. Thông tư số 10/2023/TT-NHNN là một trong những nỗ lực cụ thể hỗ trợ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công trong 8 tháng đầu năm chưa có sự bứt phá, kỳ vọng có sự bứt phá mạnh từ quý 4 như thông lệ. Tín hiệu tích cực của dòng vốn FDI xuất hiện nhiều hơn, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam tạo thêm điểm nhấn kỳ vọng.
Mặt khác, tỷ giá biến động trong quý III mang tính mùa vụ và nằm trong dự đoán. So với đợt biến động năm 2022, vị thế của Việt Nam đã khác nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực, dự trữ ngoại hối mở rộng và cán cân thương mại ước tính thặng dư. Fed dần đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, gần nhất trong cuộc họp chính sách vào ngày 20/9 phần đông thị trường đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ nguyên mức lãi suất hiện tại.
Đối với thị trường chứng khoán, thị trường đang giao dịch với xu hướng tăng trong trung và dài hạn. Cơ quan quản lý và thành viên thị trường đang có những bước đi cụ thể trong nỗ lực đưa hệ thống KRX vận hành vào cuối năm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi với các tổ chức xếp hạng (MSCI và FTSE Russell), các thành viên thị trường và các bộ ngành liên quan. UBCKNN đã chủ động trong nhiều hoạt động nhằm cải thiện đánh giá đối với thị trường Việt Nam bền vững trong lâu dài.
Trong khi đó, rủi ro điều chỉnh kỹ thuật ngắn hạn gia tăng sau chu kỳ tăng kéo dài từ tháng 5/2023.
Về mặt định giá, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12,6 lần cho ước tính 2023. Mức định giá này thấp hơn trung bình 5 năm là 14,5 lần và trung bình năm 2021 là 15,6 lần. Thị trường sẽ tập trung nhiều hơn sang năm 2024 với mức định giá ước tính đang ở mức hấp dẫn là 9,6 lần.
Kết quả kinh doanh quý II có thể đã tạo đáy lợi nhuận ở nhiều nhóm ngành. Do đó nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dần đi lên từ quý III do yếu tố mức nền cao ở năm 2022 sẽ giảm dần bên cạnh kỳ vọng các chính sách từ Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi.