Anh Dương Văn Được cùng vợ con bên trong căn nhà đang làm dang dở. Ảnh: Nguyễn Thành
Những phu vàng rớt lại
Căn nhà của vợ chồng anh Dương Văn Được và chị Hồ Thị Duyên ở thôn 1 xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn) đang còn thi công dang dở, chờ hoàn thiện cửa ngõ. Ngôi nhà là ước mơ, công sức làm ăn tích góp của đôi vợ chồng hơn chục năm nay.
Năm nay 36 tuổi, quê ở tận huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), anh Được nhẩm tính đã gắn bó với Phước Sơn thấm thoát hơn 25 năm. Những năm 1990 Phước Sơn nổi tiếng với những tin đồn trúng vàng. Theo dòng người, cậu bé Được cùng anh em bỏ học, vào Quảng Nam tìm đến những bãi vàng nuôi mộng đổi đời.
Anh Được kể, ngày đó ở quê nhà gia đình nghèo khó lại đông anh em nên phải nghỉ học để mưu sinh. Tin đồn về việc trúng vàng ở Phước Sơn lan về tận Lạng Sơn như “nam châm” hút mọi người về đây. Trong ký ức của anh Được vẫn nhớ như in về chuyến xe đưa cậu bé 12 tuổi cùng anh trai hơn mình 4 tuổi và khoảng 60 người dân khác từ Lạng Sơn vào thị trấn Khâm Đức lúc hửng sáng vào một ngày tháng 3/1998.
Chuyến xe đánh dấu cho cuộc đời lang bạt nơi “thánh địa vàng”. Vừa đến nơi, mọi người được đội “săn đầu người” của những chủ bãi chờ đón sẵn, cho ăn uống rồi dụ dỗ kèm những lời hứa hẹn về viễn cảnh trúng vàng sẽ đổi đời để đưa vào các bãi bờ, hầm lò sâu trong rừng.
Ngày đó, Phước Sơn nạn khai thác vàng trái phép nở rộ và không được quản lý, mạnh ai người nấy làm. Những bờ bãi là “lãnh địa” riêng của những cai vàng khét tiếng với nhiều hệ lụy. Ròng rã mấy năm trời Được cùng dân làng được đưa vào các bãi vàng ở Phước Công, Phước Chánh, Phước Thành biệt lập giữa núi rừng. Lao động khổ cực, sống trong khổ ải, nhiều người không chịu được xin về, nhưng những cai vàng, chủ bãi dễ gì buông tha.
Từ hứa hẹn, dụ dỗ, họ bị quản thúc bằng vũ lực, hàng ngày phải làm việc cật lực cho các chủ bãi từ sáng sớm đến tận tối trong những hầm lò, sâu dưới lòng đất. Số phận phu vàng mong manh, nhiều người bỏ mạng vì bệnh tật, ốm đau, sập hầm, ngạt khí độc.
Nhiều người không chịu được cuộc sống “địa ngục trần gian” nên tìm cách tẩu thoát. Người may mắn thoát được tai mắt cai vàng tìm được về quê, người xui bị bắt lại đập đánh no đòn. Tệ nạn ma túy cũng bùng phát ở những bãi vàng, bởi thế những nghĩa địa phu vàng cùng dày thêm những nấm mộ.
“Tiền công rẻ mạt, ăn uống cực khổ. Những ngày làm phu vàng là những ngày khổ ải khó quên. Những bãi vàng trở thành ám ảnh, ác mộng đối với nhiều người”, anh Được nhớ lại.
Cậu bé Được cứ thế lớn lên, mưu sinh lang bạt từ bãi vàng này qua bãi vàng khác ở Phước Sơn. Rồi qua những năm 2000 khi chính quyền bắt đầu mạnh tay với nạn khai thác vàng trái phép, đưa việc làm vàng vào quy cũ, những phu vàng mới bớt cảnh khổ cực. Nhiều người thoát cảnh khổ sở của phận làm phu, trong số đó có Được lúc này đã gần 20 tuổi.
Dân làng thôn 1, Phước Mỹ cùng nhau chung tay dựng nhà cho vợ chồng Lữ Văn Thong và Hồ Thị Dước. Ảnh: Nguyễn Thành
Thoát cảnh phu vàng, giấc mộng đổi đời không thành hiện thực, với hai bàn tay trắng, Được và anh trai Dương Văn Tới lang thang làm “thợ đụng” ở Khâm Đức. Hai anh em làm đủ nghề, phụ hồ, bốc vác để mong kiếm tiền về quê. Và rồi, trong những ngày làm thuê đó, Được gặp cô gái dân tộc Bh’noong Hồ Thị Duyên ở xã Phước Mỹ. Cả hai gặp nhau trong một lần Được đi làm thợ xây trong xóm.
Cái nhìn đầu tiên khiến cả hai xao xuyến, hẹn hò rồi yêu nhau. Năm 2006, cả hai nên duyên vợ chồng và đã có với nhau 2 người con. Hàng ngày, chồng đi làm thợ xây, vợ làm lao công cho trường học ở xã. Hai vợ chồng tu chí làm ăn, đến nay đã làm được nhà, con cái được ăn học đàng hoàng.
Hỏi chuyện mới hay, không chỉ anh Được mà anh Tới sau khi thoát kiếp phu vàng cũng rớt lại xứ vàng rồi bén duyên với thôn nữ Bh’noong khác ở làng bên. Đến nay gia đình cũng yên ấm hạnh phúc ở thôn 2. Rồi, anh trai đầu là Dương Văn Xuyên sau một lần vào thăm hai em nay cũng đã dẫn vợ con vào Phước Sơn sinh sống, buôn bán lập nghiệp gần chục năm nay.
Nhắc đến chuyện yêu đương, anh Được cười: “Nếu không gặp được cô ấy có lẽ đời tôi lại lang thang đâu đó ở các bãi vàng rồi cũng nên, giờ có khi không biết sống chết ở đâu”. Ngồi bên, chị Duyên tiếp lời: “Thấy anh hiền lành chăm chỉ lại sống cảnh xa quê mưu sinh nên thương lắm. Mấy lần tính về quê chồng ở, nhưng về ngoài đó rét quá, con nhỏ chịu không được, nên đành về lại Phước Sơn lập nghiệp”.
Sống trong nghĩa tình
Trên khu đất để giãn dân của xã Phước Mỹ, dân làng đang cùng nhau dựng nhà cho vợ chồng Lữ Văn Thong và Hồ Thị Dước. Dân làng xúm tay giúp sức, đôi vợ chồng trẻ mừng vì cảm động.
Quê tận huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), khuôn mặt Thong già hơn tuổi 30 vì sớm bươn chải, mưu sinh. Năm 15 tuổi, Thong theo tiếng gọi của giấc mơ vàng lặn lội vào đây để làm phu vàng. Sống trong khổ cực giữa rừng sâu không chịu được, làm được thời gian Thong lẩn trốn vào rừng thoát khỏi chủ vàng, rồi lang thang làm thuê ở Phước Sơn. Duyên số xui khiến Thong gặp thiếu nữ Dước, rồi đem lòng yêu thương nhau. Cả hai nên nghĩa vợ chồng đã 3 năm nay, sống chung với bố mẹ vợ.
Nhà Dước đông anh em, con đầu lòng chào đời, cả hai tính chuyện ra ở riêng. Đầu năm 2023, khi hay tin chính quyền làm khu dân cư theo đề án giãn dân, cả hai viết đơn xin ra khu đất mới lập nghiệp. Chính quyền đồng ý cấp hơn 200m2 đất ở khi mặt bằng đã đầy đủ điện, nước, giao thông. Thấy hoàn cảnh khó khăn, dân làng hò nhau dựng nhà cho hai vợ chồng trên nền đất mới cấp.
Bà Hồ Thị Tình mẹ của Dước kể: Ngày hai đứa cưới nhau, nhà trai xa xôi, chỉ có vị đại diện nhà trai vào ra mắt nhà ngoại rồi về. Đám cưới cũng đơn sơ vì nhà nghèo khó.
“Yêu thương vợ con, lại chịu khó làm ăn nên dân làng ai cũng quý con rể. Hai con nói ra ở riêng, tôi đưa chuyện thưa với già làng, trưởng thôn. Hôm sau, bà con kéo nhau vào rừng, người cắt tranh, người chặt nứa, mây về dựng nhà cho vợ chồng nó. Dân làng ở đây là thế, ai khó khăn đều giang tay giúp đỡ, sống đầy nghĩa tình”, bà Tình kể.
Ngày dọn về nhà mới, hai vợ chồng Thong soạn mâm cơm đạm bạc mời bà con để cảm ơn. Mọi người bắt tay chúc mừng đôi vợ chồng trẻ sớm ổn định cuộc sống, tu chí làm ăn để gia đình thêm ấm êm, hạnh phúc.