Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị dự án Rạch Xuyên Tâm, cùng các sở ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công và đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư trong trong kỳ họp ngày đầu tháng 12/2022.
Tuy nhiên, đối với các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, đến nay, chỉ có 5/14 dự án được tiếp tục bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (lũy kế đến ngân sách đã ghi vốn được 1.821/2.037 tỷ đồng cho 5 dự án). Dự kiến, hoàn tất di dời 585 căn trước năm 2025.
Bên cạnh đó, UBND quận 7 đã lập đề án chỉnh trang đô thị di dời nhà trên và ven kênh rạch đối với 3 tuyến rạch Bần Đôn (di dời 659 căn), ao Song Tân (770 căn) và sông Ông Lớn (853 căn).
Việc bố trí vốn cho các dự án di dời trên và ven kênh, rạch ở TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Phạm
Về những tồn tại, hạn chế, đối với nhóm dự án sử dụng vốn ngân sách, Sở Xây dựng TP.HCM nêu rõ dù các dự án này để thực hiện chỉnh trang đô thị, giải quyết tiêu thoát nước để chống ngập thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, đã được UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, TP.HCM đang hạn chế bố trí vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 (trong khi các dự án di dời nhà trên và ven kênh cơ cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu). Do đó, mới có 5/14 dự án được bố trí vốn chuyển tiếp, đã bồi thường được 201/585 căn, làm ảnh hưởng đến kế hoạch di dời 6.500 căn đã đề ra.
Đối với nhóm dự án xã hội hóa, Luật PPP và Nghị định 35 của Chính phủ không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Như vậy, việc di dời nhà và trên kênh rạch sẽ không thực hiện theo phương thức BT như giai đoạn trước đây.
Nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng các mặt bằng cơ sở nhà đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, trong khi quỹ đất này là rất nhỏ hẹp, nên càng khó khăn hơn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Hầu hết các tuyến kênh rạch đều có một phần là đất công hoặc đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhưng, Luật Đất đai chỉ quy định Nhà nước giao đất thông qua hình thức đấu giá đối với các trường hợp đất được thu hồi, sắp xếp lại. Trong khi, 9 hình thức xử lý nhà đất khi thực hiện sắp xếp lại theo Nghị định 167 không quy định về hình thức đấu thầu.
Để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cũng chưa thực hiện điều tra xã hội học, khảo sát nhu cầu của các hộ dân bị ảnh hưởng do không có vốn.