Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước vào giai đoạn ảm đạm trước Tết với sự sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản. Phiên cuối tuần qua chứng kiến hoạt động giao dịch ảm đạm nhất trong gần một tháng, khi tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng vào thời điểm sắp kết thúc năm.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 2,27 điểm (-0,22%) về mức 1.020,34 điểm. Trong khi các chỉ số tại Hà Nội có diễn biến trái ngược, bộ chỉ số HNX-Index giảm 0,49 điểm (-0,24%) về 205,3 điểm và UPCoM-Index lại tăng 0,18 điểm (0,25%) đạt 71,01 điểm.
Xét cho cả tuần (19 đến 23/12), chỉ số VN-Index giảm tổng cộng 32,14 điểm (-3,05%), HNX-Index giảm 7,69 điểm (-3,61%), UPCOM-Index cũng giảm 1,6% so với tuần trước.
Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch vừa qua, mã cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận chuỗi 4 phiên giảm để đóng cửa ở mức giá 18.350 đồng/cổ phiếu.
Đà giảm mạnh của HPG trong tuần giao dịch vừa qua khiến khối tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long ghi nhận mức giảm hơn 3.100 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 23/12, tỷ phú Trần Đình Long đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản có trị giá hơn 27.824 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG ghi nhận mức giảm mạnh trong tuần vừa qua sau khi doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long bị Công ty CP Chứng khoán KIS hạ dự báo doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.
Tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam
Cụ thể, về năm 2022, báo cáo của KIS đã hạ dự báo doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát xuống mức 137.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế còn 10.600 tỷ đồng, giảm 69% so với mức lãi ròng kỷ lục năm 2021. So với ước tính trước đó của KIS, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đã bị hạ lần lượt 23% và 66%.
Lý giải nguyên nhân của việc hạ kỳ vọng, KIS cho biết, khoản lỗ ròng bất ngờ 1.785 tỷ đồng trong quý III vừa qua của Hoà Phát có nguyên nhân chính từ giá đầu vào cao, hàng tồn kho luân chuyển chậm cùng với giá bán thấp hơn.
Đồng thời, Hòa Phát còn chịu khoản lỗ tỷ giá khoảng 1.000 tỷ đồng do đồng USD tăng. Chứng khoán KIS cho rằng hàng tồn kho chi phí cao và luân chuyển chậm vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty, dự báo doanh thu đạt 21.729 tỷ đồng (giảm 51%) và lợi nhuận ròng vỏn vẹn mức 120 tỷ đồng (giảm 98%) vào quý IV/2022 trong bối cảnh nhu cầu trong nước và thế giới thấp cộng thêm chi phí tồn kho vẫn ở mức cao.
Với việc hạ dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 và 2023, cộng thêm chi phí đầu tư lớn cho dự án Dung Quất 2 trong bối cảnh lãi suất cho vay cao, KIS cũng cho rằng Hoà Phát sẽ không trả cổ tức bằng tiền mặt trong vòng 2 năm tới đây.
Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 26/12, chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo thị trường sẽ tiếp tục dao động thăm dò tại vùng 1.010-1.035 điểm của VN-Index trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu rõ nét hơn.
Do đó, nhà đầu tư đầu tư nên chậm lại và chờ diễn biến giao dịch tại vùng cản 1.030-1.035 điểm trong thời gian gần tới để đánh giá lại trạng thái cung cầu của thị trường.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh giằng co trong các phiên kế tiếp với vùng hỗ trợ gần được đặt quanh 1.00x điểm.
Nhà đầu tư có thể gia tăng một phần vị thế ngắn hạn khi các cổ phiếu mục tiêu về lại ngưỡng hỗ trợ nhưng khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường có thể duy trì biến động hẹp với nền tảng thanh khoản duy trì ở mức thấp. Chỉ số đại diện VN-Index có thể sẽ dao động giữa kháng cự MA5, MA10 tại 1.025-1.035 điểm với hỗ trợ MA50 tại vùng 1.010-1.015 điểm. Tuy nhiên, nếu thanh khoản gia tăng khiến VN-Index giảm xuống dưới 1010 điểm, chỉ số sẽ phát tín hiệu giảm điểm về hỗ trợ gần nhất quanh 985 điểm. Ngược lại, nếu lực mua đủ mạnh giúp VN-Index vượt qua mốc 1.035 điểm, chỉ số sẽ có thể khôi phục lại đà tăng điểm để hướng lên vùng kháng cự mạnh quanh 1.100 điểm.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK MB (MBS) đánh giá về kỹ thuật, thị trường đang được hỗ trợ ở vùng 1.010 điểm, nơi có mặt của đường MA50. Trong bối cảnh thanh khoản co hẹp, dòng tiền liên tục “chuyền cành” giữa các nhóm cổ phiếu: từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất điện, dầu khí, …
Đây là tuần cuối cùng của năm tài chính 2022, hoạt động chốt NAV của các quỹ đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường.
MBS cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch với thanh khoản thấp với xu hướng đi ngang ở chỉ số, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch hoặc nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu thấp.