Sau nhiều lần thương lượng không thành công, ngôi nhà của bà Liang đến nay vẫn nằm giữa tuyến đường 4 làn, chịu tiếng ồn và khói bụi của xe cộ đi qua mỗi ngày.
Vào ngày 3 tháng 8 năm 2020, cầu cao tốc Hải Dũng Châu ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông đã được khánh thành và thông xe. Tuy nhiên, điều làm người ta chú ý là ở "góc khuất" lọt thỏm giữa làn đông và tây của cây cầu có một ngôi nhà cũ chỉ khoảng 40m2, phá vỡ cấu trúc thiết kế liền mạch của công trình.
Một số người gọi đùa khoảng trống giữa cầu là "Mắt ngọc của biển" hay "ngôi nhà đinh tốt nhất Quảng Châu". Lý do ngôi nhà cấp bốn này nằm giữa tuyến đường 4 làn cũng trở thành chủ đề làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngôi nhà nhỏ là nơi sinh sống cả 3 thế hệ già trẻ nhà bà Liang. Họ tỏ ra bất lực trước những đoàn khách tò mò ghé "thăm" mỗi ngày.
Theo đài truyền hình Quảng Đông, khi tiến hành thi công cầu cao tốc Hải Dũng Châu, phía chủ đầu tư không thể phá ngôi nhà một tầng lợp mái ngói có diện tích 40m2 ở giữa đường do gia đình bà Liang và chính quyền không đạt được thỏa thuận đền bù. Cứ như thế, nhiều năm trôi qua, căn nhà vẫn nằm "hiên ngang" ngay giữa cầu cao tốc, gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.
Theo Sohu, bà Liang là người duy nhất trong tổng số 47 hộ gia đình và 7 công ty thuộc diện di dời vẫn còn "bám trụ" ở đó. Những hộ chuyển đi đã được các nhà chức trách đền bù bất động sản tương ứng hoặc bồi thường tiền mặt, tuy nhiên, gia đình bà Liang đã từ chối tất cả hình thức bồi thường này.
Theo bà Liang, 10 năm trước, chính quyền đã đưa bà đến xem một ngôi nhà ở Feng'an Garden trên đường Cách Tân, quận Hải Châu. Tuy nhiên bà đưa ra lý do ở Quảng Đông, những ngôi nhà "tam giác và bát giác" là điều cấm kỵ nên từ chối ở đó. Chia sẻ với phóng viên, bà Liang nói: "Ngay khi các con chúng tôi bước vào, chúng đã nói rằng chúng thà sống ở trong căn nhà hiện tại hơn là ở đó".
Sau đó, chính quyền lại thuyết phục gia đình bà chuyển đến Đại lộ Baogang, quận Hải Châu những bà Liang tiếp tục từ chối. Bà nói: "Căn phòng đó đối diện với nhà xác của bệnh viện. Tôi thà sống ở đây còn hơn đối mặt với nỗi ám ảnh về người chết."
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một đề xuất hào phóng đã được đưa ra là bồi hoàn 2 căn hộ cùng 1,3 triệu NDT tiền mặt nhưng bà Liang muốn được bồi thường tới 4 căn hộ và 2 triệu NDT. Trong khi đó, bà Liang thẳng thắn cho rằng việc là kiên quyết ở lại là có lý do rõ ràng chứ không hề vô lý như nhiều người nghĩ.
"Nếu tôi tham của cải, tôi đã bỏ đi từ lâu. Khi chính quyền đến, tôi sẵn sàng thương lượng. Nếu thấy phù hợp, chúng tôi sẽ rời đi. Nhưng nếu chính quyền không dỡ bỏ thì tôi vẫn sẽ ở lại", bà Liang cho biết.
Từ trên cầu nhìn xuống, ngôi nhà một tầng của gia đình bà Liang đã lộ rõ vết tích của thời gian, giờ đây đã xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thương lượng không thành công, giờ đây gia đình bà phải chấp nhận sống ở đó, chịu tiếng ồn và khói bụi của xe cộ đi qua mỗi ngày.
Chia sẻ về trường hợp của nhà bà Liang, cán bộ phụ trách Phòng Xây dựng và Nhà ở quận Hải Châu, Quảng Châu trả lời rằng: Từ năm 2010, quận Hải Châu đã liên hệ đến 47 hộ gia đình và 7 đơn vị liên quan để thỏa thuận di dời. Vào tháng 9 năm 2019, ngoại trừ ngôi nhà số 22 của bà Liang, tất cả những gia đình khác đều đã ký thỏa thuận phá dỡ và chuyển đi.
Kể từ khi bắt đầu công việc thu hồi và phá dỡ, phía chủ đầu tư và chính quyền có liên quan đã tiến hành đàm phán và liên lạc với chủ sở hữu ngôi nhà số 22. Công khai công việc thu hồi và phá dỡ, giải thích chi tiết các tiêu chuẩn bồi thường cho việc phá dỡ và di dời, đồng thời cung cấp các phương án bồi thường khác nhau như bồi thường bằng tiền hoặc nhà ở để chủ sở hữu tham khảo. Những ngôi nhà thay thế đều đều có giao thông thuận tiện để chủ sở hữu lựa chọn nhưng chưa đạt được sự đồng thuận.
Cuối cùng, do đàm phán bất thành với gia nhà, chủ đầu tư không còn lựa chọn nào khác là thay đổi thiết kế công trình ban đầu và cho xây các làn cầu uốn quanh ngôi nhà của bà Liang.
(Tổng hợp Sohu, Sina)