Cặp ứng viên thứ hai trong tập 10 của "Whose Chance - Cơ hội cho ai?" là Phạm Hoài Nam và Nguyễn Thị Ngọc Nhi.
Ứng viên đầu tiên là Phạm Hoài Nam, 26 tuổi, đến từ TP. HCM, tốt nghiệp chuyên ngành Marketing tại Đại học Kinh tế với GPA 8.1. Hoài Nam có hơn 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực PR - Marketing, trong đó có 2 năm giữ vị trí Trưởng bộ phận Truyền thông Marketing.
Ứng viên thứ 2 là Nguyễn Thị Ngọc Nhi, 27 tuổi, đến từ Long An. Tốt nghiệp chuyên ngành Marketing tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, đang theo học Thiết kế đồ họa, Ngọc Nhi có kinh nghiệm trong mảng quản lý nhượng quyền giáo trình và tổ chức sự kiện về giáo dục và hơn 5 năm hoạt động trong tổ chức phi lợi nhuận.
Chủ đề dành cho 2 ứng viên là: "Bạn ủng hộ hay phản đối Chiến dịch quảng cáo dựa trên nỗi sợ của khách hàng?".
Làm việc trong lĩnh vực Marketing - Truyền thông, Hoài Nam ủng hộ việc quảng cáo dựa trên nỗi sợ của khách hàng. Đây là phương thức hiệu quả để kích thích khách hàng hành động. Tuy vậy, vẫn có nhiều quảng cáo khai thác quá mức, thậm chí là sai sự thật.
Hoài Nam bày tỏ quan điểm: "Em ủng hộ quan điểm quảng cáo dựa trên nỗi sợ. Tuy nhiên hình thức này cần được giới hạn và cần tuân thủ giá trị về đạo đức, pháp luật".
Về Ngọc Nhi, cô khẳng định đây là công cụ hữu ích để thực hiện chiến dịch Marketing. Việc đánh vào cảm xúc càng ấn tượng, càng nổi bật càng khiến khách hàng khắc sâu sản phẩm/dịch vụ. Tuy nhiên, người làm quảng cáo cần khai thác tinh tế, biến đó thành câu chuyện để khách hàng cảm thấy được đồng cảm.
Lợi ích khách hàng là quy tắc tối cao khi thực hiện chiến dịch quảng cáo
Ngay khi "Whose Chance" kết thúc, Sếp Ngọc Lan đã có những chia sẻ cực hữu ích về chiến lược bán hàng, tâm lý khách hàng. Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ Giáo dục, bà hiểu rõ mỗi nhà quảng cáo, người làm marketing và người bán hàng chính là bậc thầy về tâm lý.
Chủ tịch Atlantic cho biết, con người sinh ra đã sở hữu 4 tử huyệt cảm xúc, bao gồm danh tiếng, tiền bạc, tình yêu và bản thân. Và để chạm vào từng tử huyệt, khiến cho họ hành động, cần phải đánh được vào nỗi khao khát hoặc sợ hãi. Nhưng sự khao khát sẽ khó kích thích hành động hơn nỗi sợ hãi. Vì thế, việc xây dựng chiến dịch quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi sẽ khiến khách hàng dễ dàng hành động hơn, nhờ đó mang lại hiệu quả trong kinh doanh.
Ví dụ như trong ngành giáo dục, nỗi sợ của phụ huynh là bỏ lỡ mất thời điểm tốt nhất để bắt đầu việc học của con hoặc mất thời gian vào việc học sai cách. Và đây là một thực tế, không chỉ là lời dọa.
Để dễ hình dung, Sếp Ngọc Lan lấy một ví dụ trong việc tư vấn dịch vụ khóa học tiếng Anh tại Atlantic: "Khi ngồi phân tích cho một phụ huynh là doanh nhân, tôi đặt câu hỏi "Bạn có muốn tương lai con mình đạt được chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 hay 8.0 để lấy học bổng đi du học, hòa nhập vào môi trường làm việc toàn cầu không?".
Đó là cách tôi đang đánh vào tử huyệt danh tiếng. Nhưng ngay lập tức, vị phụ huynh đó lấy lý do bận công việc nên chưa thể sắp xếp thời gian đưa con đi học. Và họ còn đưa ra khá nhiều lý do khác để trì hoãn việc học tiếng Anh của con mình.
Nhưng đến một ngày, tôi lại chia sẻ vấn đề đó theo cách khác: "Nếu hiện tại con bạn không học tiếng Anh, bạn sẽ là một ông bố thất bại. Tới thời điểm học Đại học hay ra trường, con mới học thì đã lỡ đi thời điểm vàng về tiếp thu ngôn ngữ mới. Con của bạn sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các bạn đồng trang lứa, và nếu từ bỏ thì khó có thể hội nhập với môi trường quốc tế, cũng như hạn chế rất nhiều kỹ năng và cơ hội thể hiện mình".
Và ngay lập tức phụ huynh đó nhắn tin cho nhân viên tư vấn để tiến hành kiểm tra trình độ tiếng Anh và tự đặt lịch hẹn. Câu chuyện này tôi cũng đem kể với một luật sư. Khi nghe xong, họ không còn tâm trí làm việc và lập tức liên hệ với nhân viên trung tâm để đánh giá trình độ ngoại ngữ cho con".
Từ 2 câu chuyện thú vị trên, Chủ tịch Atlantic khẳng định việc đánh vào nỗi sợ hãi có thể khiến khách hàng lập tức hành động. Nỗi sợ ở đây gồm bản thân và danh tiếng. Người bán hàng có thể đưa ra những khao khát hoặc đánh vào nỗi sợ hãi khiến cho khách hành động, miễn là hành động đó đem lại lợi ích và tốt cho tương lai của họ.
Nếu người bán hàng đưa ra lời chào, lời dọa nạt để đánh vào nỗi sợ hãi nhưng không mang lại lợi ích thực sự thì đó là chiến dịch thất bại. Còn sản phẩm, dịch vụ khiến cho khách hàng thay đổi cuộc đời, giải quyết được các vấn đề tồn tại mới là điều tuyệt vời, có giá trị nhân văn.