Trong phiên họp ĐHĐCĐ 2024 sáng 19/6, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành trở lại với vai trò chủ tọa cuộc họp cổ đông kể từ 2019 đến nay. Vị này lần đầu nói về quyết định bán mảng bánh kẹo để tiến vào ngành hàng thiết yếu.
Theo người đứng đầu doanh nghiệp, từ sau cơn bão tài chính 2028, việc nhìn nhận vĩ mô đã trở nên phức tạp, ông nhận thức một điều là nên kinh doanh ngành nào "càng gần với cuộc sống hàng ngày thì càng có cơ hội tồn tại".
Kido đã có ý tưởng chuyển đổi từ 2008 nhưng việc chuyển đổi được thực hiện từ 2014 khi có đối tác mua lại mảng bánh kẹo. Công ty dùng số tiền thoái vốn mua Vocarimex để chính thức tạo ra bước ngoặc trong ngành hàng thiết yếu.
Tập đoàn sau đó tiếp tục mua cổ phần Dầu Tường An và duy trì ngành kem làm căn bản. Theo ông Thành, các ngành hàng thiết yếu đến nay đã hoạt động tốt, thuộc nhóm dẫn đầu thị trường
Ông cũng chia sẻ thêm nút thắt cổ chai của kinh doanh hàng thiết yếu đôi khi không phải là sản phẩm hay quản trị, mà chính là bán hàng, việc giữ được kênh bán hàng bằng nhiều sản phẩm mới có đầu ra.
"Muốn giữ kênh phải có sản phẩm phù hợp. Kênh sẽ có sản phẩm quá khứ, tức sản phẩm mà các công ty lớn đã chiếm - sản phẩm hiện tại, tức mặt hàng đang được ưa chuộng - và sản phẩm của tương lai, tức loại mà công ty phải đón đầu", ông Thành nói về việc phải đa dạng sản phẩm mới duy trì được kênh bán hàng.
Người đứng đầu tập đoàn khẳng định kể từ sau cơn bão tài chính thì Kido vẫn đi theo hướng ngành hàng thiết yếu, tránh được các dao động của nền kinh tế và chính trị.
Vị này nói không có mơ ước làm cái gì ghê gớm, làm cái gì to tát mà phải cần cù từng bước, từng bước. Công ty nào cũng cần phải tiết kiệm, khai thác tối ưu hiệu quả hoạt động để gom góp đủ lợi nhuận, không tăng được giá trị từ nội bộ thì khó tồn tại trên thị trường.
Phó tổng giám đốc Bùi Thanh Tùng nói thêm Kido cần mở rộng sang nhiều ngành hàng thiết yếu, bởi nếu ít chủng loại hàng hóa hoặc chỉ tập trung một mặt hàng cốt lõi thì "nguy hiểm ngầm" sẽ khá lớn. Việc mở rộng ngành hàng đồng nghĩa đưa thêm sản phẩm vào kệ hàng, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn.
Năm 2024, Kido đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu ở mức 13.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 50% và 148% so với kết quả năm ngoái, với kỳ vọng cao ở các ngành hàng mới như gia vị và bánh bao.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết lựa chọn các sản phẩm nước mắm và hạt nêm để thâm nhập vì đây là các sản phẩm đóng góp tỷ trọng cao trong ngành gia vị.
"Chúng tôi chọn các ngành hàng tiềm năng và nhắm vào khách hàng thiết yếu, bởi hàng thiết yếu dù sao đi nữa cũng thuận lợi hơn cho việc làm thị trường. Mục tiêu của chúng tôi là phải chuyển ngành thành công", ông Tùng quả quyết.
Kido đặt mục tiêu cho năm 2024 với trọng tâm là thâm nhập và có chỗ đứng trong ngành thiết yếu, đặc biệt là gia vị và nước chấm.
"Công ty sẽ đẩy nhanh tốc độ thâm nhập, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là thâm nhập được và trụ được thị trường. Khi thâm nhập tốt, có sản phẩm tốt và được người tiêu dùng ủng hộ thì sẽ tạo doanh thu tốt", phía doanh nghiệp cho biết.
Một ngành hàng thiết yếu mới được công ty nhảy vào là bánh bao khi thâu tóm Thọ Phát. Tập đoàn có chiến lược mở rộng thị trường ra Miền Trung & Miền Bắc, xây dựng hệ thống 1.000 đại lý và phát triển 50.000 điểm bán trên toàn quốc. Đặc biệt là phát triển hệ thống miniBao với 12.000 cửa hàng, xây dựng “kênh độc quyền” chỉ có ở Kido Group.
Phó Tổng giám đốc Mai Xuân Trầm nói có kinh nghiệm xây dựng 12.000 điểm bán chỉ trong vòng 2 tháng mùa bánh trung thu, do đó ban điều hành cũng yêu cầu con số không thấp hơn 12.000 điểm bán miniBao trong thời gian tới.
Thực tế, sau 45 ngày triển khai, tập đoàn đã mở 150 cửa hàng miniBao và tất cả điểm bán đều đang có lời. Ông Trầm tin rằng sẽ đạt mục tiêu mở 500 cửa hàng, thậm chí nếu đạt kế hoạch sơm thì sẽ đánh giá lại, có những điều chỉnh và thay đổi để hướng đến phát triển lớn hơn.
Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành kỳ vọng các ngành hàng mới được tái cấu trúc thành công, trong đó chuỗi miniBao nếu vận hành tốt 12.000 cửa hàng có thể mang về doanh số khoảng 20.000 tỷ đồng.