Khảo sát được thực hiện bởi hai công ty nhân sự Talentnet và Mercer với sự tham gia của gần 600 doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang trả lương cơ bản thấp hơn 35% so với các công ty đa quốc gia. Mức chênh lệch ở cấp nhân viên là 21% và càng lên vị trí cao thì khoảng cách càng lớn.
"Người quản lý doanh nghiệp trong nước nhận lương ít hơn 41% so với vị trí tương tự tại công ty đa quốc gia, tức thấp hơn khoảng 1 tỷ đồng một năm", bà Hoa Nguyễn - Chuyên gia cấp cao dịch vụ tư vấn nhân sự và khảo sát lương, Talentnet nói.
Tuy nhiên, nếu tính tổng thu nhập, mức chênh lệch bình quân được thu hẹp còn 25% và chênh lệch của cấp quản lý là 33%. Nguyên nhân là doanh nghiệp trong nước có xu hướng trả nhiều khoản trợ cấp (ăn trưa, di chuyển, điện thoại...), thưởng và ưu đãi mua cổ phần hơn so với các công ty đa quốc gia.
Chênh lệch lương còn xuất hiện giữa các nhóm ngành và giữa các bộ phận trong công ty. Dầu khí, cung ứng và hoá chất là những ngành được trả lương và tổng thu nhập nhiều nhất ở nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Đối với nhóm doanh nghiệp trong nước, bất động sản là ngành đứng đầu về lương cơ bản, tiếp đến là dịch vụ tài chính – phi ngân hàng bởi cả hai đều đang phát triển mạnh, lợi nhuận lớn.
Phân tích dữ liệu là bộ phận nhận lương cao nhất tại các công ty nước ngoài cho vị trí chuyên viên lẫn quản lý. Các bộ phận được trả lương cao tiếp theo ở cấp quản lý là dịch vụ ngân quỹ, quản lý đầu tư và quản lý tài sản. Trong khi ở chiều ngược lại, bộ phận hành chính, quản lý chất lượng và sản xuất nhận lương thấp nhất trong các công ty.
Hầu hết công ty đa quốc gia cho biết vẫn duy trì việc thưởng theo hiệu quả công việc. Tài chính – phi ngân hàng, tài chính – ngân hàng và nông nghiệp là ba ngành có mức thưởng cao nhất, dao động từ 19,8% đến 24,9% tiền lương cơ bản năm. Trong khi đó, biên lợi nhuận giảm vì chi phí nguyên liệu bị đội lên, cộng thêm tác động mạnh của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp vận tải, hậu cần và bất động sản đứng đầu danh sách thưởng ít nhất năm nay.
Năm nay có khoảng 7,7% doanh nghiệp trong nước và 6,4% công ty đa quốc gia không tăng lương vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Dù vậy, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với năm Covid-19 đầu tiên khi tỷ lệ doanh nghiệp "đóng băng" kế hoạch điều chỉnh lương lần lượt là 34% và 14%.
Hiện có 38% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ bổ sung nhân sự trong năm sau để phục vụ kế hoạch mở rộng kinh doanh và 38% giữ nguyên. Chỉ 3% cho biết có ý định cắt giảm nhân sự, còn lại chưa có quyết định cụ thể bởi đánh giá dịch bệnh vẫn còn phức tạp.