Doanh nghiệp

Sếp Bamboo Airways khẳng định "hãng không xin phá sản"

Nói với VnExpress chiều 14/7, thành viên HĐQT Bamboo Airways Phan Đình Tuệ cho biết, không có chuyện hãng hàng không này xin phá sản như một số tin đồn đang được lan truyền.

Theo ông Tuệ, Bamboo Airways cũng như các hãng bay khác đang gặp khó khăn vì nhiều yếu tố như thị trường vẫn chưa phục hồi sau đại dịch, kinh tế suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, du lịch và giá nhiên liệu tăng cao do xung đột tại Ukraine. Riêng Bamboo Airways đang phải đối mặt với một số khó khăn tài chính.

Thành viên HĐQT Bamboo Airways cho biết hãng đang nỗ lực tái cấu trúc, làm việc với nhà đầu tư để giải quyết những khó khăn này, ổn định hoạt động. "Hiện tại, các chỉ số hoạt động của Bamboo Airways vẫn bình thường, thậm chí có thể còn tốt hơn một số hãng khác", ông Tuệ chia sẻ.

Về thông tin Bamboo Airways có thể cắt giảm đội tàu bay thân rộng, ông Tuệ nói rằng vừa qua hãng xây dựng phương án tăng đội tàu bay, nhưng phải tiến hành điều chỉnh theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện tại, theo thành viên HĐQT này, đội tàu thân rộng bay quốc tế của Bamboo Airways chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, hãng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, các phương án kinh doanh vẫn đang được đặt lên bàn cân để tính toán. Đồng thời, ông Tuệ cũng khẳng định chưa có phi công, tiếp viên, nhân sự nào của Bamboo Airways bị mất việc.

Trong thông cáo phát đi chiều nay, bên cạnh việc thông tin vẫn hoạt động bình thường, bay đúng giờ, Bamboo Airways cũng khẳng định sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa nguồn lực để đem đến dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.

Ông Tuệ gia nhập HĐQT Bamboo Airways từ tháng 6/2023. Trước đó, ông làm Phó tổng giám đốc Sacombank từ năm 2012. Với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ông cho biết sang Bamboo Airways để giúp hãng tái cơ cấu.

Đầu tuần này, Chủ tịch một hãng hàng không trong nước cho biết các doanh nghiệp trong ngành đang rất khó khăn và thông tin một hãng khá lớn gần đây đã xin Chính phủ bảo hộ phá sản.

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết chưa có thông tin cụ thể về việc hãng bay trong nước xin phá sản. Tuy nhiên, theo ông, trường hợp hãng bay đề xuất xin bảo hộ phá sản sẽ thực hiện theo trình tự quy định tại Luật Phá sản. Về phía cơ quan quản lý, ông Thắng nói rằng luôn hỗ trợ tối đa cho các hãng hàng không.

Gần đây, thượng tầng của Bamboo Airways cũng có nhiều biến động. Hôm 11/7, có 4 thành viên HĐQT gồm Chủ tịch Oshima Hideki, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Ngọc Trọng và hai phó chủ tịch Doãn Hữu Đoàn, Phan Đình Tuệ đã xin từ nhiệm dù mới được bầu trước đó 1 tháng.

Chủ tịch mới của Bamboo Airways là ông Lê Thái Sâm – người trước đó giữ vai trò thành viên HĐQT. Ông Sâm nắm giữ hơn 50% cổ phần tại Bamboo Airways. Ông Oshima Hideki giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng làm Phó chủ tịch.

Ở ban điều hành, CEO Bamboo Airways Nguyễn Minh Hải cũng xin nghỉ dù mới ngồi vào "ghế nóng" thay người tiền nhiệm Nguyễn Mạnh Quân chưa đầy hai tháng.

Tại phiên họp thường niên tháng trước, ông Hải đã đại diện ban điều hành Bamboo Airways trình bày khá chi tiết với cổ đông về kế hoạch phát triển, tái cấu trúc hãng dưới thời nhà đầu tư mới – Tập đoàn Him Lam. Trong đó, ông tập trung nói nhiều về việc làm thế nào để Bamboo Airways kinh doanh có lãi nhằm đáp ứng yêu cầu từ nhà đầu tư.

Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Trọng đang kiêm nhiệm thêm vai trò CEO của hãng hàng không này.

Trên thị trường cũng xuất hiện một số thông tin về việc cựu CEO Nguyễn Mạnh Quân sẽ trở lại Bamboo Airways với vai trò cố vấn cao cấp. Trả lời VnExpress chiều 14/7, ông Quân xác nhận có nhận được lời mời từ Bamboo Airways, nhưng hiện tại ông chưa sẵn sàng.

Nhìn nhận về thị trường hàng không nói chung, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng hàng không nội địa đã phục hồi ngoài kỳ vọng, song thị trường quốc tế vẫn khó khăn. Ngành hàng không đã mở các thị trường mới như Ấn Độ, các hãng Việt Nam đã sử dụng hết slot thỏa thuận giữa hai nước. Cục Hàng không tích cực làm việc với nhà chức trách Ấn Độ để có thêm thỏa thuận mới. Thị trường Australia cũng khai thác hiệu quả với nhiều điểm đến mới; các hãng cũng xúc tiến mở thị trường Trung Á để đưa khách Nga sang Việt Nam.

Sáu tháng đầu năm nay, thị trường vận tải hàng không nội địa phục hồi tương đối tốt, vượt khoảng 8% so với trước dịch (năm 2019). Tuy nhiên, thị trường vận tải hàng không quốc tế mới phục hồi khoảng 60%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm