Thông tin này vừa được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải liên quan việc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khó xin slot bay tại Anh, Ấn Độ, Trung Quốc thời gian qua.
Trước đây, theo quy định của Hiệp định hàng không Việt Nam và Vương quốc Anh cùng thỏa thuận về khai thác giữa hàng không hai nước, các hãng bay mỗi quốc gia được khai thác với tần suất 14 chuyến một tuần trên mỗi chiều.
Năm 2019, Vietnam Airlines đã khai thác hai đường bay từ Hà Nội/TP HCM đến London tần suất 7 chuyến mỗi tuần, trong khi các hãng hàng không của Anh không khai thác các đường bay giữa hai nước.
Sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã dừng hoạt động. Từ hè 2022, hãng khai thác trở lại từ 1 đến 2 chuyến mỗi tuần trên đường bay Hà Nội - London. Bộ Giao thông Vận tải Vương quốc Anh đã yêu cầu các hãng hàng không phải đảm bảo tỷ lệ khai thác là 70% để có thể giữ slot lịch sử, nhưng do ảnh hưởng của dịch, Vietnam Airlines đã không duy trì được tỷ lệ này.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã hai lần gửi thư và làm việc với Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh đề nghị hỗ trợ duy trì slot lịch sử cho Vietnam Airlines nhưng không được. Bên cạnh đó, việc áp dụng nguyên tắc "có đi, có lại" là không khả thi vì các hãng bay của Anh không khai thác đến Việt Nam.
"Do đó, giờ nếu tiếp tục đề nghị giữ lại slot cho Vietnam Airlines sẽ không có hiệu quả", Cục Hàng không Việt Nam nói.
Về khai thác slot giữa Việt Nam - Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo Hiệp định vận tải hàng không hai nước, các bên có thể chỉ định nhiều hãng khai thác. Năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng khai thác, trong đó 11 hãng Trung Quốc và 3 hãng Việt Nam.
Đầu tháng 3, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo chính sách sử dụng slot với các hãng hàng không. Theo đó, các hãng nước ngoài phải đáp ứng tỷ lệ sử dụng 80:20 để được xem xét lịch sử.
Lịch bay mùa hè 2023 của Vietnam Airlines đang khai thác 5 đường bay thường lệ từ Hà Nội, TP HCM đi Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu với tần suất 19 chuyến mỗi tuần (tương đương 25% so trước dịch). 7 hãng hàng không Trung Quốc khai thác 10 đường bay từ 9 thành phố của Trung Quốc đến Hà Nội và TP HCM với tần suất 93 chuyến khứ hồi mỗi tuần (khoảng 38% so với trước dịch).
Theo Cục Hàng không, các hãng bay Việt Nam đang sử dụng các slot lịch sử mà không gặp khó khăn từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, các hãng chưa duy trì được tỷ lệ sử dụng slot trong lịch bay mùa hè này nên khó giữ slot cho mùa hè năm sau.
Để giải quyết vấn đề trên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cần có sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải cũng như phía Trung Quốc về việc bảo lưu slot lịch sử.
Với nhu cầu tăng tần suất bay tại Ấn Độ, Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo quy định về tải cung ứng, các hãng Việt Nam đã khai thác hết 28 chuyến mỗi tuần, trong khi các hãng Ấn Độ mới 14 trên tổng số 28 chuyến được phép trên đường bay Việt Nam - Ấn Độ.
Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều có nhu cầu tăng tần suất khai thác trên các đường bay đến Ấn Độ và có kiến nghị dỡ bỏ hạn chế về tải cung ứng này. Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ xem xét tăng tần suất trên các đường bay đến 4 thành phố lớn nhưng nước này không có phản hồi. "Có thể do các hãng Ấn Độ chưa khai thác hết tải là nguyên nhân khiến nước bạn chưa xem xét đề nghị này", Cục Hàng không Việt Nam nhận định.
Trước đó, tại hội nghị của Bộ Giao thông Vận tải chiều 10/7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết hãng đang gặp khó khăn về xin slot bay ở nước ngoài. Sau một thời gian dừng bay do dịch bệnh, doanh nghiệp này đã bị mất nhiều slot ở London (Anh), Ấn Độ bảo hộ hàng không trong nước nên chỉ cấp 28 slot quốc tế tại 4 sân bay lớn. Vừa qua, lãnh đạo hãng sang Trung Quốc đàm phán xin slot ở một số sân bay song không được.
Ông Đặng Ngọc Hòa cho biết hàng không nội địa đã hồi phục song mảng quốc tế mới phục hồi lượng khách bằng 60% so trước dịch Covid, riêng lượng khách Trung Quốc chỉ bằng 9% so với 2019.