Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 mới đây (13/7), các tổ chức tín dụng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đều bày tỏ sự đồng thuận về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác, ... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, cho hay nền kinh tế đã xuất hiện nhiều khó khăn cả sản xuất trong nước và xuất khẩu. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ tiếp cận vay vốn,...
Tuy nhiên, do tác động chung của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, cầu tín dụng giảm khiến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thấp so với cùng kỳ năm 2022.Tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt hơn 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022 trong khi cùng kỳ năm trước tăng hơn 8,5%.
Ngân hàng cũng gặp khó?
Đại diện các ngân hàng cho biết trong thời gian qua ngân hàng đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ cho các khách hàng kể cả phải cắt giảm lợi nhuận của mình.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho hay trong thời gian qua ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho khách hàng. Cụ thể, đợt 1, từ đầu năm đến 31/4/2023, giảm 0,5% lãi suất cho khoảng 130.000 khách hàng và đợt 2, từ đầu tháng 5/2023, cũng giảm 0,5% lãi suất cho khoảng 110.000 khách hàng.
Về nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông nhận định đây là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Đại diện Vietcombank kiến nghị Chính phủ cần có chính sách tài khóa hỗ trợ nhiều hơn giúp tăng cầu tín dụng của doanh nghiệp.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, ông Vinh cho biết hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 cho phép các đơn vị, trái chủ có thể gia hạn thêm 2 năm nhưng hiện NHNN vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó, ông kiến nghị NHNN sớm có hướng dẫn về Nghị định số 08 để các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể áp dụng.
Ông cũng đề nghị NHNN hướng dẫn làm rõ quy định trong Thông tư 06 mới ban hành với điểm cấm ngân hàng cho vay để gửi tiền (theo định nghĩa thì tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn đều là gửi tiền).
Theo ông Vinh, thực tế các doanh nghiệp bao giờ cũng phải duy trì một lượng thanh khoản bởi vì mỗi lần ngân hàng giải ngân cũng cần độ trễ thời gian để làm thủ tục hồ sơ. Đặc biệt, là doanh nghiệp FDI đều duy trì một lượng tiền gửi rất lớn để duy trì thanh khoản vì khi để mất thanh khoản tương ứng không trả được nợ.
Bên cạnh đó, để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện nhiều ngân hàngđề nghị xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn cho phù hợp với thực tế hoạt động của các ngân hàng hiện nay. NHNN nên xem xét hoãn thời hạn áp dụng tỷ lệ 30% thay vì đến hạn ngày 30/9/2023, để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.
Đồng thời xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN.
Đối với Thông tư 02, ông Nguyễn Đình Tùng – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc OCB, đề nghị có cơ chế giãn nợ như thời kỳ COVID, xem xét kéo dài thời gian áp dụng, thay vì chỉ 12 tháng như hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Đô, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, kiến nghị NHNN sớm ban hành hành lang pháp lý cho ngân hàng số cũng như đưa ra một số mô hình tiên phong để các ngân hàng nhìn vào và phát triển.