Luôn thiếu học sinh
Cùng với Trường THPT Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất), THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa), THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì), năm nay Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) có điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 thấp nhất Hà Nội là 17 điểm.
Với mức điểm này, học sinh chỉ cần có điểm trung bình môn 3,4 là có thể đỗ nguyện vọng 1 vào trường. Những trường này chênh với trường có mức điểm chuẩn cao nhất thành phố, Trường THPT Chu Văn An, là 27,5 điểm.
Trái ngược với khung cảnh phụ huynh mệt mỏi xếp hàng xuyên đêm để đăng ký được một suất học ở trường công tự chủ tài chính, thậm chí là trường tư thục, nhiều trường tốp dưới công lập rất khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu.
Năm nay, sau đợt tuyển sinh đầu tiên, Trường THPT Minh Quang và THPT Bắc Lương Sơn buộc phải hạ một điểm chuẩn (16 điểm) và tiếp tục đề nghị Sở GD&ĐT cho tuyển cả nguyện vọng tràn, nghĩa là tuyển sinh toàn thành phố.
Trường THPT Minh Quang nằm ở thôn Lặt, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, được thành lập năm 2014 với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trên diện tích đất gần 2ha, cách trung tâm thành phố chừng 80 cây số.
Được đầu tư xây dựng 17 phòng học, 6 phòng chức năng, sân bóng, sân chơi rộng rãi nhưng năm nào Ban Giám hiệu nhà trường cũng phải đặt mục tiêu tuyển đủ… chỉ tiêu được giao. Mùa tuyển sinh năm ngoái, trường được giao tuyển 8 lớp nhưng chỉ tuyển được 6 lớp. Năm học trước đó nữa cũng chỉ tuyển được 8 lớp.
Trong 3 - 5 năm trở lại đây, mỗi năm trường THPT Minh Quang (Ba Vì) tuyển được từ 40-60 em ở các quận, huyện khác theo diện “nguyện vọng tràn” đến học. Trường chỉ có nhà công vụ cho giáo viên, nên học sinh phải thuê trọ ở ngoài hoặc ở nhờ nhà người quen.
Sáng qua (13/7), dù trong thời gian các trường tuyển sinh trực tuyến nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại ngôi trường này, lác đác phụ huynh đưa con đến trường làm thủ tục. Trong đó, có cả học sinh ở huyện Mê Linh, quận Long Biên, học sinh các quận nội đô cách trường từ hàng chục đến gần trăm cây số đến nhập học.
Một phụ huynh trung niên bối rối cho biết nhà ở huyện Mê Linh, con thi trượt tất cả các nguyện vọng nên mang hồ sơ đến đăng ký tại trường THPT Minh Quang. Sau khi nhân đôi điểm Toán, Ngữ văn cộng điểm Ngoại ngữ, em này có tổng điểm 27,5.
“Không có điều kiện học trường tư nên gia đình đành chấp nhận để con rời xa gia đình, ở nhờ nhà người quen học trường công lập”, phụ huynh này nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa chia sẻ, con thi được 22,5 điểm, trượt nguyện vọng 1 nên đành nhập học nguyện vọng 2. Chị tin rằng, ở ngôi trường nào thầy cô giáo cũng sẽ tận tâm, nhiệt huyết dạy dỗ để có kết quả tốt ở đầu ra là thi vào ĐH. Điều chị lo lắng là nhà ở xa trường, bố mẹ còn vướng bận công việc nên con sẽ phải tự đi xe một mình. “Đường sá xa xôi, đông xe cộ, nguy hiểm rập rình”, chị Hoa trăn trở.
Ít em xin chuyển trường
Bà Đinh Thị Hồng Như, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trực tuyển sinh tại trường để hỗ trợ, giải đáp thông tin cho phụ huynh, học sinh đến làm thủ tục nhập học. Bà chia sẻ, năm nào trường cũng rơi vào tốp có điểm chuẩn thấp nhất thành phố.
Năm nay, trường xác định điểm chuẩn đợt 1 là 17 điểm (trung bình 3,4 điểm/môn) nhưng cũng chỉ tuyển được hơn 300 em, trong đó chủ yếu là học sinh THCS các trường lân cận và có khoảng chục em từ các trường nội đô. Trước khi thi, có tới hơn 3.500 em đăng ký các nguyện vọng, nhất là nguyện vọng 3 có gần 2.000 em. Tuy nhiên, con số này “không nói lên điều gì” bởi vì nhiều em đăng ký cho có, không xác nhận nhập học.
Thiếu hơn 100 chỉ tiêu, trường đã được Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt hạ một điểm chuẩn và tuyển nguyện vọng tràn, cho phép tuyển sinh toàn thành phố để tạo cơ hội cho nhiều em được học trường THPT công lập. Đây cũng là ngôi trường năm nào cũng trình phương án tuyển sinh thêm khu vực khác hoặc tuyển sinh toàn thành phố.
Phó Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, điều kiện cơ sở vật chất đủ đáp ứng tuyển 10 lớp/năm tương đương 450 em nhưng số lượng học sinh các vùng lân cận hằng năm thấp hơn. Chưa kể, do công tác phân luồng, nhiều em không có nhu cầu học tiếp bậc THPT. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa chăm lo việc học cho con như các gia đình ở trung tâm thành phố.
“Nếu đưa ra mức điểm chuẩn cao ở khu vực này sẽ chỉ có 50-60% em đỗ trường công, số còn lại các em sẽ khó khăn để được học tiếp vì trường tư thục ở xa, mức phí cao người dân không đáp ứng được”, bà Như lý giải.
Học sinh ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, các quận nội đô, thậm chí có em ở quận Long Biên cách trường gần trăm cây số không đỗ trường công lập gần nhà đành chọn phương án nhập học ở đây. Trong 3 - 5 năm trở lại đây, mỗi năm trường THPT Minh Quang (Ba Vì) tuyển được từ 40-60 em ở các quận, huyện khác theo diện “nguyện vọng tràn” đến học. Trường chỉ có nhà công vụ cho giáo viên, nên học sinh phải thuê trọ ở ngoài hoặc ở nhờ nhà người quen. Những em không tìm được nhà trọ, nhà trường huy động lực lượng Đoàn thanh niên tìm nhà trọ uy tín để giới thiệu. Nhà trường hỗ trợ đăng ký tạm trú để các em được đảm bảo an toàn, an ninh.
“Một số em ban đầu nhắn tin cho cô kêu nhớ nhà, lo lắng về kết quả học tập. Nhà trường đề nghị thầy cô kèm cặp sát sao, động viên tinh thần để các con hòa nhập nhanh nhất. Đa số học sinh sẽ gắn bó với trường hết bậc THPT nhưng cũng có một số em sau một thời gian xin chuyển trường vì nhiều lý do khác nhau”, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Khẳng định mức điểm chuẩn thấp nhất thành phố để tuyển hầu hết học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn có nhu cầu tiếp tục học THPT nhưng đầu vào của trường vẫn có gần 15% em đạt mức điểm từ 30 - 42.
Khi vào học, nhà trường chia lớp, chia nhóm để có giải pháp phù hợp, đồng thời động viên thầy cô coi học sinh như con để vừa dạy vừa dỗ giúp các em vượt lên chính mình. Kết quả thi tốt nghiệp THPT của các năm gần đây đã cho “trái ngọt” khi có tới 10% em đỗ các trường ĐH tốp đầu và hơn 50% có mức điểm tổ hợp trên 20.
“Với các trường khác, kết quả đó là bình thường nhưng đối với trường có đặc thù đầu vào thấp như Minh Quang thì đó là cả sự nỗ lực rất lớn”, bà Như nói.
Do các trường THPT công lập của Thủ đô Hà Nội có sự chênh lệch rất lớn về điểm chuẩn nên hằng năm, trong các cuộc họp tuyển sinh đầu cấp, lãnh đạo Sở GD&ĐT quán triệt chặt chẽ việc chuyển trường. Theo đó, trường học thông báo cho phụ huynh, học sinh khi đỗ trường THPT nào phải theo học hết 3 năm học. Trường hợp đặc biệt, phải được sự đồng ý của lãnh đạo Sở GD&ĐT.