"Tại sao tôi lại mất con, có nhầm lẫn gì không?", chị Thương không thể tin được, đề nghị bác sĩ siêu âm, xét nghiệm lại kỹ. Đây là lần thứ ba chị bị sảy thai.
Còn chị Mai, 40 tuổi, hiếm muộn, thực hiện bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) ba lần không thành công. Cuối năm 2024 vợ chồng điều trị IVF, chuyển phôi đậu thai ngay lần đầu song đến tuần thứ 8 thì sảy. Chị nghỉ ngơi vài tháng, bồi dưỡng sức khỏe tiếp tục chuyển phôi thêm hai lần vẫn sảy.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích sảy thai là hiện tượng thai nhi bị tống ra ngoài tử cung trước 20 tuần tuổi. Khoảng 80% trường hợp sảy thai xảy ra trong ba tháng đầu thai kỳ, từ 0 đến 13 tuần. Khoảng 15% trường hợp mang thai bị sảy, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của phụ nữ. Đa phần người mẹ khó chấp nhận việc mất con, đau đớn, có khuynh hướng tự trách bản thân, nhiều trường hợp rơi vào trầm cảm nặng.
"Hầu hết trường hợp sảy thai do yếu tố không thể kiểm soát được", bác sĩ Mỹ Nhi nói. Giai đoạn đầu thai kỳ, sảy thường do vấn đề về di truyền như đảo đoạn nhiễm sắc thể, lệch bội, nhiễm sắc thể khảm, tam bội thể... Mặt khác, tuổi tác người mẹ có thể tăng nguy cơ sảy thai do chất lượng trứng giảm dần theo thời gian.
Nguy cơ sảy thai trung bình theo tuổi mẹ dưới 35 tuổi (15%), 35-45 tuổi (20-35%), trên 45 tuổi (50%). Bên cạnh đó là các yếu tố sức khỏe như phụ nữ có dị tật ở tử cung, hút thuốc lá, ít vận động, béo phì, kiểm soát bệnh nền không tốt khi mang thai (đái tháo đường, tăng huyết áp), béo phì, nhiễm trùng khi mang thai, mắc bệnh miễn dịch (lupus ban đỏ).
Tình trạng sảy thai liên tiếp cần được điều trị sớm để tránh biến chứng sức khỏe cho người mẹ, thậm chí vô sinh, theo bác sĩ Mỹ Nhi. Trước khi chữa trị, bác sĩ khám sức khỏe tổng quát, loại trừ nguyên nhân. Chị Thương được chụp MRI vùng chậu, phát hiện có dị tật vách ngăn tử cung. Bất thường này khiến buồng tử cung thu hẹp diện tích do ngăn cách, ảnh hưởng đến việc thụ thai và mang thai.
Khoảng 0,1-3,2% phụ nữ bị bất thường ở tử cung, trong đó tử cung có vách ngăn là loại dị dạng thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 40%. Tử cung chị Thương có vách ngăn khá lớn, cấu tạo là một mô xơ không có nhiều máu cung cấp. Nếu trứng được thụ tinh làm tổ ở vách ngăn sẽ dẫn đến sảy, lưu thai hoặc sinh non. Bác sĩ phẫu thuật nội soi qua ngả âm đạo, cắt vách ngăn tử cung cho chị.

Ca phẫu thuật cắt vách ngăn điều trị sảy thai liên tiếp. Ảnh: Tuệ Diễm
Xét nghiệm di truyền thai vợ chồng, kết quả chồng chị Mai bình thường còn vợ bị đột biến gene MTHFR. MTHFR chịu trách nhiệm cho sự phân hủy axit folic, tạo ra folate. Khi gene này bất thường, hệ thống xử lý trục trặc làm tăng nồng độ homocysteine (Hcy) trong máu dẫn tới hội chứng hyper homocysteine tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong mạch máu (huyết khối). Phụ nữ khi mang thai, tăng nguy cơ mắc bệnh tim cho thai nhi hoặc sảy thai, thai lưu liên tiếp.
Để giúp chị Mai có con, bác sĩ chỉ định bổ sung vitamin B, thuốc điều trị ngừa huyết khối trước ba tháng chuẩn bị mang thai. Nếu mang thai, bác sĩ tiêm thuốc loãng máu có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông giữa nhau thai đang phát triển, thành tử cung kéo dài cho đến tuần thai thứ 36.
Có nhiều biện pháp điều trị sảy thai liên tiếp như phẫu thuật chỉnh sửa dị tật tử cung, điều trị nội khoa kiểm soát bệnh nền, can thiệp hỗ trợ sinh sản. Trường hợp sảy thai chưa rõ nguyên nhân hoặc bất thường về chất lượng trứng, tinh trùng, nhiễm sắc thể có thể được điều trị thụ tinh ống nghiệm kết hợp sàng lọc phôi.
"Không phải tất cả trường hợp sảy thai liên tiếp đều có thể ngăn ngừa", bác sĩ Mỹ Nhi nói, thêm rằng nếu được chẩn đoán, điều trị vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, thay đổi lối sống có thể tăng cơ hội mang thai thành công. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trước khi kết hôn hoặc có ý định mang thai nên đi khám sức khỏe tổng quát, sức khỏe sinh sản. Bác sĩ đánh giá, sàng lọc các yếu tố bất thường có thể cản trở quá trình mang thai, sinh bé khỏe mạnh.
Trường hợp bị sảy thai hai lần liên tiếp cần được khám, tìm nguyên nhân và điều trị. Phụ nữ cũng có thể giảm nguy cơ sảy thai bằng cách sinh con trước 35 tuổi, duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục, tránh làm việc môi trường độc hại hoặc căng thẳng kéo dài, thuốc lá, chất kích thích.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |