Theo UBND TP Đà Lạt, cơ quan chức năng tiếp tục khắc phục hậu quả vụ sạt lở ngày 29-6 tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), một số khu vực đã bảo đảm an toàn nên những hộ dân phải di dời trước đó được trở về nhà ở, ổn định lại cuộc sống.
Xuất viện rồi không biết về đâu
Thế nhưng, ông Bùi Thế Phiệt (64 tuổi) cùng vợ và 3 người con không thể trở lại ngôi nhà của họ vì đang trong tình trạng bị xiêu vẹo, nứt toác, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cơ quan chức năng đang tính phương án xử lý.
Thời điểm xảy ra sạt lở, 5 người ở bên trong nhà, chỉ có anh Bùi Đức Huy (con trai ông Phiệt) thoát ra ngoài được, cả 4 người còn lại mắc kẹt. Chỉ đến khi lực lượng cứu hộ đến thì các nạn nhân mới được giải cứu, đưa vào bệnh viện.
Căn gác áp mái rêu mốc, bong tróc như chực chờ sập
Khi sức khỏe tạm ổn định, cả gia đình được xuất viện về dưỡng thương, chờ tái khám. "Cả gia đình tôi không còn gì. Mọi tài sản, vật dụng, giấy tờ tùy thân đều chôn vùi dưới đất hết. Tất cả những gì còn lại chỉ là bộ đồ ngủ mang trên người lúc được cứu" - anh Huy cho biết.
Trong thời gian nằm viện, nhà thầu thi công taluy hỗ trợ ban đầu cho gia đình anh 50 triệu đồng, chính quyền địa phương hỗ trợ 5,6 triệu đồng. Số tiền này, anh Huy chi trả cho việc điều trị thương tích của cả nhà, mua lại một số áo quần. Theo anh Huy, hiện gia đình anh được một người quen cho ở nhờ qua ngày. Mọi vật dụng từ bếp gas, nồi cơm điện đều phải mượn, không có nổi chiếc xe máy để đi. "Bây giờ mà cứ thấy mưa lớn hay tiếng động lớn là cả nhà đều cảm thấy bất an. Chúng tôi như người vô gia cư sau vụ việc" - anh Huy nói thêm.
Nhiều nỗi lo và bức xúc
Theo gia đình ông Phiệt, ban đầu phía nhà thầu thi công taluy bị sập gây sạt lở nói với gia đình ông cứ tìm một ngôi nhà khác thuê ở tạm trong thời gian xử lý vụ việc, tiền thuê họ sẽ chi trả. Thế nhưng, sau khi gia đình ông Phiệt đi tìm nhà để thuê thì vài ngày sau phía nhà thầu báo rằng sẽ không thanh toán chi phí chuyện này nữa, chờ xác định bên nào chịu trách nhiệm thì bên đó sẽ lo.
Do hoàn cảnh khó khăn như vậy, gia đình anh Huy đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ nhà ở trong thời gian xác định nguyên nhân và trách nhiệm các bên. Thế nhưng UBND phường 10 trả lời rằng qua rà soát thì được biết gia đình anh Huy vẫn còn ngôi nhà cũ tại số 66B Hoàng Hoa Thám, đủ điều kiện để tạm thời sinh sống nên không xem xét đề nghị hỗ trợ nhà ở cho gia đình các nạn nhân.
"Tôi không hiểu sao họ vào xem nhà và nói ngôi nhà ấy vẫn còn ở được rồi sau đó không hỗ trợ nữa. Ngôi nhà ấy đã xây cách đây hơn 70 năm, vách tường đã nứt toác, mái thấm dột khắp nơi" - anh Huy bức xúc.
Có mặt tại ngôi nhà số 66B Hoàng Hoa Thám, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy một vết nứt lớn chạy dọc từ cửa sổ lên đến mái nhà, nếu đưa mắt vào có thể nhìn thấy rõ bên trong, nhiều chỗ rong rêu bám vì thời gian dài không có người ở. Bên trong ngôi nhà chỉ có 1 phòng ngủ, căn gác áp mái, không còn bất cứ vật dụng sinh hoạt cơ bản nào. Vách tường cũ kỹ bong tróc, nhiều khung cửa sổ vỡ kính, cầu thang cứ rung lên bần bật khi có người bước lên. Trên gác áp mái, ván gỗ bị bung nhiều chỗ như chực chờ sập. Ngôi nhà bị thấm dột khắp nơi. "Chúng tôi là những nạn nhân trong vụ việc, đang cần nơi ở ổn định để tiếp tục chữa trị thương tích, chứ có phải là những người gây ra sự việc đâu, sao họ nỡ đối xử như vậy. Ở trong ngôi nhà tình trạng thế này, làm sao chúng tôi yên tâm được" - anh Huy buồn bã.
Chưa có phương án khác Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo TP Đà Lạt cho biết qua báo cáo của UBND phường 10, gia đình anh Huy còn ngôi nhà nêu trên nên địa phương không lên phương án hỗ trợ nhà ở cho các nạn nhân. Hiện tại, phương án vẫn là gia đình anh Huy sửa sang lại ngôi nhà 66B Hoàng Hoa Thám để ở trong thời gian tới, chính quyền địa phương chưa có phương án khác. |