Khó chồng khó
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam - đưa ra một thực trạng là nhà thầu xây dựng có nguy cơ biến mất. “ Chưa có năm nào nhà thầu xây dựng lại phải trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, quý I/2023 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch cả năm. Đây là tình trạng bi đát nhất từ trước tới nay ".
“ Đã có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành Xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng rất chặt chẽ. Ngành Xây dựng đóng góp 6% vào GDP Việt Nam năm 2022. Thị trường bất động sản cần xây dựng, không có xây dựng thì không có dự án, không có bộ mặt đô thị ”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Khoảng 40 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội nhà thầu miền Trung không có việc làm. Ở phía Nam, nhóm nhà thầu do Hòa Bình dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký. Còn tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công là có việc.
Tự cứu trước khi trời cứu
Bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp không đủ năng lực đã phải “rời cuộc chơi”, vẫn có nhiều doanh nghiệp vững vàng trụ lại, chấp nhận bối cảnh và luật chơi mới.
Ông Đào Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển nhà vườn TAT - chia sẻ, giữa lúc thị trường khó khăn, doanh nghiệp của ông lại “ngược đời” khi chấp nhận đầu tư thêm vốn để phát triển hạ tầng, cây xanh, tiện ích, tạo thành một hệ sinh thái khép kín. “ Nếu lúc thị trường tốt, vốn cho hạ tầng chỉ một thì nay thị trường khó, chúng tôi chấp nhận đầu tư gấp đôi. Khi thấy sản phẩm của mình đẹp, chất lượng thì khách dễ xuống tiền hơn. Đây chính là lý do, tuy thị trường trầm lắng, nhưng sản phẩm của công ty tôi vẫn có thanh khoản ”, ông Tuấn nói.
Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận và thanh lọc thị trường. Những doanh nghiệp nào "sức khoẻ" chưa đủ tốt sẽ bị loại. Những doanh nghiệp có thực lực, nguồn lực mạnh sẽ hoạch định lại hướng đi mới.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Giám đốc Makerting Sun Property (Sun Group)
Ông Tô Duy Chinh - Giám đốc khối bán hàng Kim Oanh Group - chia sẻ, Kim Oanh Group đang triển khai và phân phối dự án đáp ứng nhu cầu mua thực của khách hàng tại Đồng Nai và Bình Dương. Nhằm kích cầu, công ty đưa ra các chính sách ưu đãi như: Chỉ cần thanh toán 166 triệu đồng, khách hàng có thể nhận nhà và được ân hạn nợ gốc trong vòng 1 năm. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng chính sách lãi suất 9,9% trong vòng 36 tháng. Như vậy, với căn hộ 1 tỷ đồng, chỉ cần thanh toán ban đầu 10% là có thể sở hữu nhà.
Ông Chinh cũng cho biết, hiện công ty đang hướng sang những khách hàng có nhu cầu thực, muốn mua nhà ở, đang quan tâm nhiều đến phân khúc nhà ở xã hội. Thị trường bất động sản hiện nay cũng theo đó mà tiến gần hơn với giá trị thực, không còn nhiều đầu cơ như trước.
Do vậy, Kim Oanh Group đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở xã hội thấp tầng và cao tầng được xây dựng bài bản và chuyên nghiệp tại 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Dự kiến vào tháng 6/2023, công ty sẽ đưa ra thị trường khoảng 4.000 - 5.000 căn hộ với mức giá hợp lý.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cũng chia sẻ, doanh nghiệp đang bắt đầu nghiên cứu các mô hình sản phẩm mới, hướng đến tính trải nghiệm, đem lại giá trị sống tích cực cho người ở. “ Tôi đã nghiên cứu thị trường và thấy những khu đô thị có hệ sinh thái khép kín, trải nghiệm sống của cư dân đa dạng, hiện đại thì vẫn có khách tìm mua. Bởi lẽ, cư dân mua tài sản không chỉ để ở mà còn để khám phá, nghỉ dưỡng. Chúng tôi sẽ phải tìm cách quy hoạch lại sản phẩm để hút khách theo cách tương tự ”, vị lãnh đạo này phân tích.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kiều Oanh - Giám đốc Makerting Sun Property (Tập đoàn Sun Group) - chia sẻ, bối cảnh trầm lắng, khó khăn chính là thời điểm để chứng minh được thực lực và sức khoẻ của các doanh nghiệp bất động sản. “ Tôi nghĩ đây là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận và thanh lọc thị trường. Những doanh nghiệp nào "sức khỏe" chưa đủ tốt sẽ bị loại. Những doanh nghiệp có thực lực, nguồn lực mạnh sẽ hoạch định lại hướng đi mới nhằm thích ứng với điều kiện của thị trường hiện nay. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ phải phân bổ nguồn lực hợp lý để đi đường dài qua các dự án mà họ phát triển ”, bà Oanh khẳng định.