Bất động sản

Méo mặt vì lãi ngân hàng vài chục triệu mỗi tháng, nhà đầu tư vẫn quyết không giảm giá BĐS

Thị trường bất động sản trong những năm gần đây liên tục lên cơn sốt, thậm chí có những khu vực chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng lên 2 - 3 lần, điều này đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tay ngang. Với tiềm lực tài chính mỏng, nhiều người chấp nhận vay ngân hàng từ 40-60% giá trị BĐS để xuống tiền đầu tư với hy vọng giá BĐS sẽ tiếp tục tăng để chốt lời.

Khi các cơn sốt đất đi qua, nhiều nhà đầu tư đang rơi vào cảnh chôn vốn cả tỷ đồng đến chục tỷ. Thời gian qua nhiều nhà đầu tư vốn mỏng đã phải chấp nhận cắt lỗ khoản đầu tư của mình để giảm áp lực lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư vẫn đang cố gồng khoản lãi suất từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/tháng với quyết tâm giữ lại tài sản của mình.

Anh Thành, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Đông, Hà Nội cho biết đầu năm 2022, nhằm đón đầu dự án xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, anh đã xuống tiền mua lô đất nền với giá 3,6 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng là 1,4 tỷ. Trước khi xuống tiền, nhà đầu tư này tính toán chỉ trong 6 tháng đến 1 năm, khoản đầu tư của mình ít nhất sẽ lãi 50% nhờ hàng loạt thông tin tích cực liên quan đến dự án liên tục được công bố.

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022 giá BĐS nhiều khu vực giảm mạnh, lượng giao dịch trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt. Giá bất động sản tại các khu vực xung quanh dự án xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô như Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Hà Đông... liên tục giảm. Khảo sát tại Sóc Sơn, Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức,… nhiều khu vực hiện tại giá đất đã giảm từ 15 - 30% so với đầu năm 2022.

Méo mặt vì lãi ngân hàng vài chục triệu mỗi tháng, nhà đầu tư vẫn quyết không giảm giá BĐS - 1

Nhiều nhà đầu tư quyết gồng lãi ngân hàng chứ không chấp nhận giảm giá BĐS

Giá BĐS nhiều khu vực ghi nhận giảm mạnh thời gian qua cùng áp lực lãi vay ngân hàng tăng cao lên mức 14-15%/năm khiến nhiều người buộc phải cắt lỗ khoản đầu tư của mình để tất toán khoản vay. Dù cũng chịu nhiều áp lực về tài chính, tuy nhiên anh Thành cho biết vẫn đang cố xoay sở để giữ lại khoản đầu tư của mình. “Do khoản trả lãi và gốc ngân hàng vẫn nằm trong khả năng nên tôi chấp nhận gồng thêm để chờ thị trường BĐS phục hồi trở lại trước khi đưa ra quyết định tiếp theo”, anh Thành chia sẻ.

Tương tự, anh Liêm, một nhà đầu tư BĐS tại TP HCM cho biết bên cạnh việc sở hữu gần chục BĐS nằm rải rác ở Sài Gòn, Bình Phước, Đăk Nông, Thái Bình và Vũng Tàu, bản thân cũng đang nợ ngân hàng số tiền 3,6 tỷ đồng, hiện tại mỗi tháng cũng xoay sở tiền từ các kênh khác đóng lãi gần 40 triệu đồng. Nhà đầu tư này cho biết bên cạnh việc tiết kiệm trong các khoản chi tiêu, thì dòng tiền từ kinh doanh và cho thuê tài sản cùng thu nhập hàng tháng vẫn đang đủ khả năng để xoay sở trả lãi khoản vay ngân hàng nên chưa đến mức phải “cắt lỗ” khoản đầu tư vào BĐS.

Anh Thành, anh Liêm không phải là những nhà đầu tư duy nhất đang cố gồng lãi suất ngân hàng để giữ lại tài sản. Trên các diễn đàn về đầu tư BĐS, nhiều nhà đầu tư cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn của mình ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tất cả cùng có sự tin tưởng về sự phục hồi của thị trường trong quãng thời gian 3-5 năm tới.

Theo đó, anh Sinh một nhà đầu tư BĐS chia sẻ đang có khoản vay nợ người thân và ngân hàng hơn 4 tỷ đồng khi xuống tiền đầu tư vào 5 lô đất nền. Nhà đầu tư này cho biết nếu chấp nhận bán cắt lỗ những lô đất trên thì số tiền thu về có thể trả hết số nợ của mình.

Anh Sinh cho biết thời gian qua một số bạn bè đã khuyên anh bán bớt tài sản để trả nợ. Tuy nhiên, trước việc liên tục bị người mua ép giá nên đã chấp nhận xoay sở nguồn tiền để trả gốc và lãi khoản nợ để giữ lại tài sản chờ ngày BĐS hồi phục. 

Những nỗ lực gồng lãi suất của nhiều nhà đầu tư đang dần được đền đáp khi lãi suất cho vay nhiều ngân hàng đã bắt đầu hạ nhiệt cùng đà giảm của lãi suất tiết kiệm. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư BĐS của người dân có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Theo đánh giá của Savills, thị trường BĐS sẽ có những chuyển biến tích cực hơn vào cuối năm khi các Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, dự kiến được thông qua cùng với nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường. Người dân có thể tiếp cập vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn nửa đầu năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm