Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, đổi mới phong cách phục vụ và tập trung vốn đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu các hộ sản xuất… có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nhằm đáp ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh kịp thời.
Bên cạnh đó, trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính xem xét giảm lãi suất tiền vay đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị các tổ chức tín dụng, hội viên cập nhật tình hình thực hiện và nêu những khó khăn, vướng mắc (nếu có) về Hiệp hội để tổng hợp báo cáo Thống đốc kết quả thực hiện cũng như có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành 4 lần, với mức từ 0,5-1,5%. Từ đó, theo số liệu tính đến hết tháng 6/2023, tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1-1,2%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đã đi đầu thực hiện các chính sách của Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều gói giảm lãi suất. Đặc biệt là những gói giảm lãi suất dành cho những đối tượng, lĩnh vực cần có sự ưu đãi của Chính phủ và Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.