Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND), doanh thu thuần của công ty đạt 3.366 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
HND giải trình, doanh thu sản xuất điện tăng nhờ sản lượng điện cao hơn cùng kỳ 239,7 triệu kWh, giá hợp đồng Pc tăng do giá than tăng và giá thị trường cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn tăng 37% lên 3.136 tỷ đồng, tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu, khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 13,7% xuống 6,8% quý vừa rồi.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 76% nhờ số dư nợ vay dài hạn đã giảm dần, đồng thời chi phí chênh lệch tỷ giá cũng thấp hơn cùng kỳ.
Kết quả cả quý II, HND lãi sau thuế gần 181 tỷ, giảm 35% so với cùng kỳ nhưng cao nhất kể từ quý III/2022 trong bối cảnh El Nino gây nóng quay trở lại.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của HND đạt 5.938 tỷ, tăng 14% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 64% về 191 tỷ. Với kết quả này, công ty nhiệt điện than này đã thực hiện được 45% và 36% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm sau hai quý.
Từ ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá điện thêm 3%. Kế hoạch tăng giá điện chỉ dành cho giá bán lẻ. Do đó, giá điện đầu vào là câu chuyện giữa nhà sản xuất và Tập đoàn Điện lực.
Trên thực tế các công ty ngành điện đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất.
Thực tế sản lượng điện huy động ở nhiều nhà máy đã tăng cao do El Nino gây khô hạn, khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect cho rằng trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, tình hình thuỷ điện suy yếu sẽ tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác như nhiệt điện than, điện khí.
Hiện tại trên sàn chứng khoán có ba công ty nhiệt điện than chính là Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) và Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC). Đối với mảng nhiệt điện than, các nhà máy tại miền Bắc sẽ hưởng lợi sớm do nguồn than ổn định và chi phí vận chuyển rẻ.
"Chúng tôi cho rằng tình trạng thiếu điện tại miền Bắc sẽ củng cố triển vọng huy động sản lượng điện than, đặc biệt khi dự kiến khu vực sẽ trải qua giai đoạn nắng nóng hơn.", báo cáo VNDirect viết.
Theo số liệu từ báo cáo phân tích trong tháng 6, công suất huy động điện than cải thiện đáng kể, lên tới 84% tổng công suất nguồn điện do nhu cầu tăng đột biến trong mùa hè cùng với sự thoái trào của thủy điện.
Trong khi đó, nguồn than cấp cho nhiệt điện cũng được đảm bảo, nhiều nhà máy nhờ đó ghi nhận mức sản lượng điện cao. VNDirect cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong 2023.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng mặc dù giá than nhập khẩu đang neo ở mức cao trong năm do nhu cầu hồi phục từ thị trường Trung Quốc nhưng đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Đồng thời, ảnh hưởng từ giá than sẽ là không đáng kể trong bối cảnh miền Bắc rất thiếu nguồn điện và nhu cầu dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới.