Trước đó, tối 9/7, tàu Maran Gas Achilles cập phao số không, được tàu lai Sky 1 hộ tống từ phao số không đến phao số bốn. Tới sáng 10/7, hoa tiêu lên tàu dẫn vào luồng. Sau đó, bốn tàu lai của Haivanship (Sky 1, Sky 2, Force 1, Force 2) hỗ trợ lai dắt vào cảng PVGas LNG. Trong thời gian Maran Gas Achilles neo đậu chuyển hàng tại PV Gas, tàu lai dắt Sky 1, Sky 2 trực an toàn tại tàu.
Đại diện PV Gas cho biết, 70.000 tấn LNG trị giá khoảng 35 triệu USD, tương đương 830 tỷ đồng. Toàn bộ lượng khí này được đưa vào kho cảng LNG Thị Vải. Việc nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch năng lượng sang điện khí. Đơn vị đang hiện thực hóa chủ trương về phát triển năng lượng qua các chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, phân phối LNG.
Khí thiên nhiên hóa lỏng khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Điều này khiến nó trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất.
Tại Việt Nam, Quy hoạch điện VIII nêu định hướng, các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo. Định hướng đến 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG đạt 22.400 MW (chiếm tỷ trọng 14,9%).
Công ty Cổ phần dịch vụ vận tải biển Hải Vân - Haivanship quản lý đội tàu lai dắt với tổng công suất lên tới hơn 40.000 HP, nhiều tàu từ 4.000 HP đến 5.500 HP. Đội tàu có công suất lớn theo tiêu chuẩn quốc tế như trang bị chân vịt Azimuth và hệ thống phun nước cứu hỏa (được các cơ quan ban ngành cấp phép). Vì vậy đơn vị có thể đáp ứng đa dạng yêu cầu về lai dắt, chữa cháy, cứu hộ của các chủ tàu, phương tiện tại vùng cảng biển TP HCM, Vũng Tàu...