Nội dung trên được ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa nêu tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân khóa 18 của tỉnh này, ngày 11/7.
Theo ông Đoan, nền kinh tế năm nay đã đi nửa chặng đường với nhiều thăng trầm. Doanh nghiệp - yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế - đang trong tình cảnh kinh doanh đầy khắc nghiệt. "Chưa khi nào, cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình với nhiều thách thức như hiện nay", ông Đoan nói. Theo ông, các thống kê gần đây cho thấy số doanh nghiệp phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường hiện cao hơn số thành lập và tái gia nhập rất nhiều.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng có hai nhóm vấn đề khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Thứ nhất, sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu phục hồi lại phải đóng cửa do vướng những quy định mới phát sinh về phòng cháy chữa cháy còn nhiều bất cập.
Một số doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục những quy định này để trở lại sản xuất kinh doanh thì tiếp tục gặp các sự cố mất điện đột ngột. Ngoài ra, họ còn đối mặt tình hình kinh tế chính trị thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả thị trường tăng vọt, số đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu, tín dụng bị thắt chặt, lãi suất tăng cao, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Đoan có liên quan vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước. Ông cho rằng thời gian qua, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. "Đây được coi là cơn bão ngầm trong hành chính", ông Đoan nhấn mạnh.
Ông phân tích, hiện nhiều sở ngành khi được giao việc có dấu hiệu đùn đẩy, làm trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính, dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư...
Chung quan điểm, đại biểu Mai Xuân Bình - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hoá cho rằng vẫn còn tình trạng tham mưu chưa đạt, một bộ phận công chức, viên chức ở các địa phương đơn vị, có lúc xuất hiện tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và làm việc cầm chừng, né tránh. Vấn đề này không phải mới gần đây mà trước đó đã tồn tại. Tuy nhiên tâm lý sợ sai thì trong 6 tháng gần đây biểu hiện nhiều hơn, rõ hơn.
"Gần đây xuất hiện một bộ phận cán bộ ba không: không nói, không tham mưu đề xuất và không làm", ông Bình nói.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cấp chính quyền Thanh Hóa đứng thứ 47 trên cả nước. Điều này phản ánh sự xung đột khi môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến rất hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp lại chưa hài lòng trong khâu cải cách hành chính của cán bộ, công chức.
Những cơn sóng khó khăn dồn dập như vậy đã khiến một số doanh nghiệp buộc đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm. "Thậm chí, có doanh nghiệp lựa chọn việc án binh bất động, không hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm nguồn thu ngân sách", ông Đoan đánh giá.
Từ thực trạng trên, "để cứu lấy những doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản, hoặc giải thể", ông Đoan kiến nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, tháo gỡ các điểm nghẽn và có những giải pháp mang tính đột phá hơn.
Theo ông, cần sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn trong bộ máy công quyền, ban hành quy định bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân cho công việc. "Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cần rà soát, xem xét không nên bố trí những cán bộ né tránh công việc, đùn đẩy, nhũng nhiễu vào các vị trí đầu mối trong giải quyết công việc", ông Đoan nói.
Cũng trong phiên thảo luận này, các đại biểu cũng đề cập các vấn đề khan hiếm nguồn vật liệu san lấp, giá cả nguyên nhiên liệu leo thang, khó khăn trong giải phóng mặt bằng... cũng khiến các công trình, dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng giải ngân đầu tư công và nguồn thu ngân sách địa phương sụt giảm.