Đối mặt với giá dầu, khí đốt tự nhiên, than đá tăng cao, nhiều quốc gia tìm đến viên nén sinh khối để đáp ứng về mặt khí đốt, lại không gây hại môi trường. Viên nén sinh khối được sản xuất từ gỗ vụn, mùn cưa, là năng lượng sạch tối ưu cho hệ thống đốt, sử dụng nguồn gỗ từ rừng trồng quy hoạch và không làm tổn hại đến rừng tự nhiên. Đó cũng là lý do viên nén này ngày càng được ưa chuộng tại các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Hiệp hội Năng lượng sinh học thế giới dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu đạt 15,6 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm gần 7,3% trong giai đoạn 2021-2026. Những con số mở ra nhiều cơ hội cho các nước có năng lực sản xuất viên nén sinh khối.
Là quốc gia ký cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hiện thực hóa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Viên nén sinh khối vì thế sẽ đóng vai trò quan trọng trên hành trình Net Zero của Việt Nam, như thúc đẩy sự phát triển của kinh tế rừng.
Ông Phạm Đình Hòa - Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Mộc Đỉnh (chuyên sản xuất viên nén sinh khối) cho biết, viên nén sinh khối không chỉ thúc đẩy phủ xanh đất bỏ hoang, cải tạo vùng ngập mặn, mà còn đảm bảo cho sự phát triển năng lượng bền vững ở tầm quốc gia. "Nhờ các vùng rừng như tràm, keo lai, cây cao su trải dài từ Bắc vào Nam, nên nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén dồi dào, sản lượng ổn định, có thể trở thành nguồn năng lượng bền vững", ông Đình Hòa nhận định.
Năng lượng sinh khối đang "chảy ra" thị trường quốc tế
Mặc dù có sản lượng viên nén sinh khối lớn, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cho thị trường quốc tế. Theo bản tin thị trường xuất khẩu viên nén thực hiện bởi "Nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Forest Trends" năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn viên nén sinh khối, tăng hơn 39% so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu viên nén lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi nhiều nước phát triển như Đức, Mỹ, Nhật, Hàn... tích cực tìm đến năng lượng sinh khối vì mục tiêu Net Zero thì ngay tại Việt Nam, sản phẩm này lại chưa có chỗ đứng nhất định. Theo tư vấn quốc tế của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ - ông Christoph Kwintkiewicz, chỉ cần thay thế 10% lượng than nhập khẩu hàng năm (tương đương 4 triệu tấn) bằng năng lượng sinh khối nội địa, Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD một năm, đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân, và góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.
Phát biểu của ông Christoph Kwintkiewicz cùng nhiều chuyên gia khác trong hội thảo tham vấn "Ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam: tiềm năng sinh khối và công nghệ hiện có" tổ chức tháng 9/2022 tại Ninh Bình đặt ra nhiều bài toán cho các bên liên quan về tận dụng tiềm năng sinh khối nói chung, viên nén sinh khối nói riêng cho hành trình Net Zero của Việt Nam.
Tìm chỗ đứng cho viên nén sinh khối trên sân nhà
Cuối năm 2022, giá viên nén sinh khối có xu hướng giảm. Các nhà nhập khẩu tìm đến thị trường có giá bán tương đương nhưng chất lượng tốt hơn Việt Nam. Đó có thể là cơ hội để doanh nghiệp nội địa tiếp cận năng lượng sinh khối.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Minh - Cố vấn năng lượng của Dự án Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam (BEM) - Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, việc vừa xuất khẩu vừa bán viên nén sinh khối tại thị trường trong nước về lâu dài là không phù hợp vì xuất khẩu đang làm "chảy máu" tài nguyên sinh khối.
Ông Minh cho biết, theo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, khi nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao, sẽ cần huy động tối đa nguồn năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo (bao gồm năng lượng sinh học).
Hiện nay, dự án BEM tư vấn kỹ thuật cho một số sáng kiến sử dụng năng lượng sinh khối thay cho các nhiên liệu dầu diesel, than đá trong lò hơi công nghiệp của các công ty như Sanofi, Decathlon tại Việt Nam. Những nỗ lực của BEM góp phần thúc đẩy các điều kiện để năng lượng sinh khối nói chung, viên nén sinh khối nói riêng được khai thác hiệu quả và đóng góp thiết thực vào hành trình Net Zero của Việt Nam.
Dự án BEM do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) tài trợ và được tổ chức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, để phát triển nguồn viên nén sinh khối, cần một số điều kiện cần và đủ. Đầu tiên, xây dựng chiến lược phát triển sinh khối quốc gia: quy hoạch vùng nguyên liệu, loại sinh khối tương ứng với quy hoạch phát triển năng lượng. Thứ hai, có các cơ chế thúc đẩy và khuyến khích phát triển năng lược sinh học, như miễn giảm thuế, khuyến khích áp dụng công nghệ mới tận thu các nguồn năng lượng sinh học. Thứ ba, sự tham gia của các công ty tư nhân trong nước và nước ngoài trong việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng sinh học, ví dụ trồng rừng bền vững, khai thác tập trung khí sinh học.