Theo báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2023 công bố mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến ngày 30/6, VN-Index tiếp tục vận động sideway trong biên độ 1.110 - 1.140.
Trước những thông tin tốt về việc kiểm soát lạm phát, VN-Index đã có được nhịp tăng dài từ cuối tháng 4 và vượt lên trên khu vực đỉnh cũ quanh 1.130. Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đang dần được cải thiện và cũng đã tích cực tham gia thị trường trở lại giúp cho thanh khoản phục hồi đáng kể.
Đi cùng xu hướng của VN-Index, HNX-Index cùng giao dịch vượt lên trên vùng đỉnh cũ đi kèm với sự phân hóa vào giữa năm.
Tính trong hai quý đầu năm, thanh khoản trung bình mỗi phiên trên HOSE được cản thiện dần và đạt khoảng 82 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch tương đương 1.217 tỷ mỗi phiên. So với cùng kỳ năm 2022, thanh khoản trung bình phiên chỉ sụt giảm khoảng 5% nhưng giá trị giao dịch thấp hơn gần 48,5%.
Tính đến hết nửa đầu năm 2023, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán mạnh và đè nặng áp lực lên thị trường như VCB, BID, GAS. Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu đã thu hút lực cầu và phục hồi trở lại như HPG, GVR, MWG nhưng chưa thể giúp cho chỉ số chung cải thiện được nhiều.
Nhìn tổng thể giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã dần thích nghi với những khó khăn và thách thức do sự sụt giảm nhu cầu và đơn hàng từ các đối tác thương mại lớn trên thế giới dựa trên các định hướng điều hành vĩ mô của chính phủ.
Cụ thể, một mặt chính phủ tiếp tục quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, mặt khác Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của khối ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có những động thái nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản - nhóm ngành có tính lan tỏa lớn trong nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời cũng là một trong những nhóm gặp nhiều khó khăn nhất trong thời gian qua - thông qua việc giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng về thủ tục pháp lý.
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán Vietcombank, nếu các chính sách này tiếp tục được duy trì thực hiện có hiệu quả trong phần còn lại của năm nay, sẽ giúp đẩy nhanh vòng quay tiền cũng như hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn - đặc biệt là với các nhóm đối tượng đang gặp khó khăn về thanh khoản trong thời gian qua.
Tóm lại, dù Việt Nam vẫn khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang cho thấy những tín hiệu tương đối tích cực trong việc thích nghi với bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại, và nhìn về dài hạn thì Việt Nam chứa đựng nhiều lợi thế riêng, có tiềm năng rất lớn thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.
"Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ giữa tháng 11/2022 cho đến hiện tại đã phần nào phản ánh những kỳ vọng nói trên, và chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục duy trì diễn biến zig zag đi lên trong phần còn lại của năm 2023. Cụ thể, chúng tôi tiếp tục giữ nguyên dự báo về mức đỉnh của VN-Index trong năm 2023 là khoảng 1.180 điểm, tương ứng thấp hơn khoảng 22% so với mức đỉnh của năm 2022", báo cáo chỉ ra.
Về thanh khoản thị trường, VCBS dự báo khối lượng giao dịch bình quân phiên có thể đạt khoảng 750 - 800 triệu cổ phiếu trên cả ba sàn cho cả năm 2023, tương ứng giảm 5-10% so với năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân phiên cũng được kỳ vọng giảm 33 - 40% so với năm 2022, tương ứng đạt khoảng 13.000 – 15.000 tỷ đồng mỗi phiên trên toàn thị trường.