Báo cáo tài chính quý 1/2023 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) do đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị cho biết trong 3 tháng đầu năm doanh thu thuần đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so cùng kỳ.
Khoản lợi nhuận gộp của nhà bán lẻ này theo đó cũng giảm 36%, còn 5.214 tỷ đồng, tương ứng mức giảm ròng hơn 2.900 tỷ so với cùng kỳ năm 2022. Dù các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 19%, lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn giảm gần 99%, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng.
Năm nay, MWG đặt mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm liền trước và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.200 tỷ, tăng 2%. Như vậy kết thúc quý đầu năm, công ty này mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm cuối quý 1/2023, tổng tài sản của MWG giảm 1.900 tỷ xuống mức 53.919 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt và gửi ngân hàng tăng lên hơn 19.800 tỷ đồng so mức 15.130 tỷ của đầu kỳ. Phải thu ngắn hạn cũng giảm mạnh xuống còn 1.916 tỷ đồng. Hàng tồn kho cùng giảm khoảng 5.000 tỷ xuống mức 20.957 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 29.965 tỷ đồng, nợ vay tài chính của MWG lên tới 17.214 tỷ đồng, tăng thêm hơn 600 tỷ so đầu kỳ.
Cùng với kết quả kinh doanh ảm đạm, MWG cũng ghi nhận sa thải hơn 9.000 nhân viên trong nửa năm qua.
Thế giới di động của đại gia Nguyễn Đức Tài đã sa thải hơn 9.000 lao động trong nửa năm qua
Cụ thể, trong cáo tài chính ngày 30-9-2022, số lượng nhân viên của đơn vị là 80.321, theo giải thích của MWG, cách tính số lượng nhân viên là dựa vào số người được chuyển lương tại thời điểm báo cáo, bao gồm cả nhân sự đã kết thúc làm việc tại công ty nhưng tới thời điểm báo cáo mới chuyển lương do cần thời gian hoàn tất thủ tục nghỉ việc. Tuy nhiên, số nhân viên thực tế đang làm việc tại thời điểm là 77.092 người. Trong báo cáo ngày 31-3-2023, số lượng nhân viên được công bố là 68.048 người.
Như vậy số lượng nhân sự biến động thực tế của Thế Giới Di Động là khoảng hơn 9.000 người trong 6 tháng, tỉ lệ 12%. “Với một công ty có số lượng nhân sự rất lớn, lên tới 70.000 nhân viên, tỉ lệ nghỉ việc 9.000 người trong 6 tháng là tỉ lệ biến động tự nhiên, và con số này hoàn toàn bình thường so với trung bình ngành, khoảng 15,6%”, Thế Giới Di Động giải thích.
Dù lợi nhuận lao dốc tới gần 99% trong quý đầu năm, tuy nhiên trước kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, mã cổ phiếu MWG chứng kiến chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp để đóng cửa ở mức giá 39.200đ/cổ phiếu. Tính theo giá thị trường khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ có giá trị hơn 7.391 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 4/5, chuyên gia của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường sẽ duy trì quán tính tăng điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm định ngưỡng kháng cự EMA20, EMA50 tại 1.050-1.053 điểm. Lực bán có thể được thúc đẩy từ ngưỡng cản này và tạo ra sự giằng co ở vùng giá cao, thậm chí có thể dẫn đến một nhịp điều chỉnh giảm cho chỉ số với ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là đường EMA10 ngày tại 1.046 điểm. Ở kịch bản tích cực hơn nếu VN-Index có thể đóng cửa trên mốc 1.053 điểm, chỉ số sẽ kéo dài đà hồi phục lên ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo tại 1.060 điểm, nơi có đường EMA100 ngày.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định phiên cuối tuần trước, lực cầu gia tăng áp đảo bên bán đã giúp cho chỉ số VN-Index tiếp tục quán tính tăng điểm của phiên liền trước.
Mặc dù vậy, VN-Index sẽ sớm gặp áp lực điều chỉnh trở lại với ngưỡng kháng cự đáng lưu ý được đặt quanh 1.050-1.055 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trading đã mở tại các nhịp hồi phục, chạm vùng cản gần của các mã nắm giữ.
Chuyên gia của CTCK BIDV (BSC) cho rằng trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp tục quán tính tăng điểm và tiến lên test ngưỡng kháng cự 1.055 điểm.