Hiện nay Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đang triển khai cấp định danh điện tử cho công dân thông qua cấp thẻ CCCD gắn chip. Một trong những mục tiêu của việc này là góp phần đảm bảo chính xác thông tin công dân trên môi trường điện tử. Đồng thời, tích hợp CCCD với các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thực hiện giao dịch tài chính trên một hệ thống duy nhất.
Nhiều người dân đặt câu hỏi, vì sao đã có căn cước công dân gắn chip vẫn cần tài khoản định danh điện tử? Làm thế nào để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, bảo vệ tài sản công dân trên môi trường mạng khi tất cả thông tin quan trọng được tích hợp trên một hệ thống dữ liệu kết nối liên thông. Để rộng đường dư luận về vấn đề này PV VOV trao đổi với Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an về những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
PV: Trước hết, Thượng tá có thể giải thích câu hỏi nhiều người dân quan tâm đó là tại sao đã có CCCD gắn chip mà vẫn cần tài khoản định danh điện tử? Liệu các hoạt động này thì có gây lãng phí không và đâu là sự cần thiết của tài khoản điện tử?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Có thể nói một cách ngắn gọn thế này, dữ liệu dân cư là hệ thống dữ liệu gốc. Đây là nền tảng cơ bản để chúng ta kết nối, liên thông và để người dân chỉ cần kê khai một lần khi tham gia vào các hoạt động dịch vụ của mình. Dữ liệu này được thể hiện ở trên thẻ CCCD gắn chip điện tử mà đến nay chúng ta đã cấp được 63 triệu thẻ. Trước thời hạn này, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản vai trò của CCCD là vật lý. Người dân cầm thẻ này đi thực hiện tất cả các giao dịch. Nhưng để triển khai trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta phát triển Chính phủ điện tử, giai đoạn chuyển đổi số trên nền tảng công dân tham gia tất cả các hoạt động trên môi trường mạng thì chúng ta cần mã định danh điện tử.
Tôi lấy ví dụ như dịch vụ công, tức là người dân ngồi tại nhà và thực hiện các giao dịch của mình ở trên môi trường điện tử. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây, từ sự cần thiết đó, chúng ta phải có định danh điện tử để định danh danh tính của công dân. Chúng ta sẽ chuyển từ môi trường vật lý là chiếc thẻ CCCD sang môi trường điện tử để thuận lợi nhất cho người dân tham gia vào các hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước trên môi trường điện tử. Và cá nhân tham gia vào các tổ chức kinh tế, xã hội trong quá trình mở các giao dịch. Điều này đã được khẳng định rất rõ qua Quyết định 34 ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là bước ngoặt và là một điều kiện căn bản để thực hiện.
PV: Vậy lộ trình triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Lộ trình sẽ căn cứ vào Quyết định số 06 ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Đề án phát triển trên nền tảng dữ liệu dân cư, nền tảng CCCD và nền tảng
xuất nhập cảnh. Để như vậy, chúng ta tạo dựng lên, chia ra từ năm 2012 đến 2030, trong đó, Bộ Công an quyết tâm thực hiện trong năm nay được 15 triệu tài khoản định danh điện tử.
Lộ trình là như thế, nhưng vấn đề ở đây chúng ta cần phải khẳng định được sự tín nhiệm của người dân với các giao dịch điện tử được thể hiện như thế nào, người dân có thích thú với nó không? Nếu trả lời được câu hỏi đó, tức khắc người dân sẽ sử dụng. Còn nếu như chúng ta đưa ra các lộ trình là 15, 20, 30 triệu tài khoản nhưng chúng ta lại không giải quyết được bài toán mang lại tiện ích cho người dân trên cơ sở định danh điện tử thì cũng sẽ là thất bại.
PV: Thực tế, từ việc cấp tài khoản định danh điện tử mới được triển khai hơn một tháng, thế nhưng đã xuất hiện một số trường hợp giả danh cơ quan công an để thu thập thông tin cá nhân, hay rút tiền của người dân. Từ đó, dấy lên lo ngại về nguy cơ mất an toàn thông tin nếu chẳng may người dân bị hack tài khoản. Thượng tá có phản hồi gì trước những lo ngại của người dân?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Chúng ta cần đặt ra các khái niệm khác nhau khi nói về định danh điện tử trên môi trường mạng. Chúng ta có hai cấp độ, người dân cung cấp thông tin của mình để cơ quan chức năng cấp cho mình tài khoản theo mức độ 1, mức độ 2. Tùy từng mức độ đó, người dân sẽ được hưởng thụ những giao dịch trên môi trường điện tử.
Do vậy, việc hack tài khoản riêng chúng ta cũng đã nói với nhau rất nhiều, mấu chốt là người dân phải bảo vệ tài khoản riêng điện tử này của mình như thế nào. Ở đây, khuyến cáo là khi được cấp tài khoản riêng điện tử, người dân sau khi sử dụng phải thoát ra khỏi định danh điện tử ngay. Thứ hai, ngay lúc này người dân phải hạn chế cung cấp thông tin của mình trên môi trường mạng vì rất dễ lộ lọt.
Về vấn đề tích hợp, hiện nay, Bộ Công an và Ngân hàng đang triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD rút tiền. Nghe thì như vậy, nhưng đó hoàn toàn là hai hệ thống độc lập. Hệ thống thứ nhất là hệ thống tài khoản của Ngân hàng vẫn quản lý như xưa, vẫn đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật như vậy. Giữa thẻ CCCD và thẻ ATM trước đây đều dựa trên trường thông tin cơ bản và sinh trắc của người dân khi cung cấp cho ngân hàng tại thời điểm tạo lập tài khoản ngân hàng. Ngày nay, người ta đã trùng đó lại và người ta đưa vào để rút tiền ở các cây ATM.
Do vậy, hai hệ thống này hoàn toàn độc lập khác nhau và nó đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật cho nhau chứ không phải là toàn bộ tài khoản ngân hàng đó hoặc là các giao dịch của Ngân hàng đó được đặt vào Bộ Công an.
PV: Với doanh nghiệp thường xuyên phải giao dịch bằng tài khoản ngân hàng nếu bây giờ kết nối chung dữ liệu như vậy thì giao dịch của doanh nghiệp có bị cơ quan công an nắm bắt hết thông tin không, thưa Thượng tá?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Đây là hai hệ thống độc lập. Cùng với đó, bản thân các giao dịch của ngân hàng đã được quy chuẩn bởi pháp lý. Do vậy, ngay kể cả các tài khoản ngân hàng theo luật định đã không cung cấp cho đơn vị thứ ba.
Do vậy, khi chúng ta tiến hành giao dịch, thì ở đây chỉ là tiến hành xác thực thông tin trên bề mặt trước thẻ CCCD với thông tin tài khoản ngân hàng cung cấp để gặp nhau và thực hiện các giao dịch chứ không phải được đối khớp với nhau và quản lý lẫn nhau. Do vậy, chuyện công dân, hay doanh nghiệp tham gia vào tất cả các giao dịch của ngân hàng thì an ninh, an toàn bảo mật do ngân hàng phải chịu trách nhiệm và được điều tiết cung cấp thông tin bởi pháp lý theo Luật Ngân hàng.
PV: Việc tích hợp các dịch vụ tài chính ngân hàng chắc chắn đòi hỏi sự phối hợp giữa các bên và các cơ quan chức năng thì luôn luôn đảm bảo được quy trình bảo mật cũng như đảm bảo an toàn tài sản cho cá nhân như doanh nghiệp đúng không thưa Thượng tá?
Thượng tá Vũ Văn Tấn: Như tôi đã nêu, việc quan hệ của doanh nghiệp, hay quan hệ cá nhân tham gia vào các hoạt động tài chính đã được luật, pháp lệnh điều chỉnh. Dữ liệu đó không thể cung cấp cho bên thứ ba, trừ những trường hợp đặc biệt phục vụ vấn đề an ninh quốc gia. Do vậy, việc giao dịch đó, ngân hàng không chuyển cho bộ Công an được.
Đây là hai hệ thống đốc lập, người ta chỉ gặp nhau bởi các trường thông tin công dân và sinh trắc để đối sánh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia các giao dịch và không phải mang nhiều loại giấy tờ.
Còn lại tất cả các giao dịch đó, phía bên dữ liệu dân cư cũng không lấy về và phía ngân hàng không cho. Do vậy là người dân hoàn toàn yên tâm về các giao dịch của mình được ngân hàng bảo hộ.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tá!./.