Theo Thời báo Ngân hàng, tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, trong các tháng đầu năm hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu được hệ thống ngân hàng triển khai khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 4/2022 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt mức trên 3 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ các lĩnh vực ưu tiên tại TP.HCM đến hết tháng 4 đạt khoảng 196.000 tỷ đồng, trong đó 76% tập trung vào nhóm DNNVV là nhóm chịu tổn thương lớn sau nhiều tháng ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo ông Lệnh, những tháng vừa qua, hoạt động hỗ trợ vốn của hệ thống ngân hàng giúp nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất duy trì sản xuất kinh doanh và giữ được chân lao động.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, riêng quý I/2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,04%. So sánh với con số này, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM đạt 24,4% là khá cao.
Không chỉ ở TP.HCM, mà hầu như trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước và ở tại tất cả các ngân hàng, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu luôn là đối tượng được "ưu ái" tài trợ vốn.
Các nhà băng liên tục cho ra những gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu với nhiều ưu đãi về cả lãi suất (chỉ từ 2,9%/năm với USD và 5,7%/năm với VND), hạn mức không tài sản bảo đảm lớn.
Nguồn vốn này có thể hỗ trợ cho các nhu cầu mua nguyên vật liệu sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng những đơn hàng lớn của đối tác, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid nhiều khó khăn và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu khiến số lượng đơn hàng tăng đột biến…
Tại sao các nhà băng ưu ái lĩnh vực xuất khẩu?
Năm 2021, Việt Nam và thế giới đối mặt với những biến cố khó lường khi chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 làm dịch Covid-19 lây lan nhanh và mạnh, tác động tiêu cực tới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, hàng rào phi thuế quan siết chặt ở nhiều nước...
Vượt qua khó khăn, xuất khẩu cả nước vẫn xác lập kỷ lục mới, tiếp tục ghi tên Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Không quá lời khi nói rằng, xuất khẩu là trụ cột vững chắc của nền kinh tế Việt Nam.
Các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô đưa ra đều đảm bảo nguồn vốn tín dụng chảy đến các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Báo cáo “Tương lai thương mại 2030: Các xu hướng và thị trường cần quan tâm” của Ngân hàng Standard Chartered nêu, Việt Nam là một thị trường quan trọng đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm và đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030.
Vì vậy, không lạ khi các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu được đánh giá có triển vọng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và tăng trưởng tích cực trong tương lai.
Nguyên nhân thứ hai, đầu ra của hoạt động xuất khẩu luôn rõ ràng, chứng từ mua bán và nộp thuế đầy đủ, minh bạch giúp ngân hàng có thể đánh giá về tính hợp lý, thực tế và kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Thêm đó, doanh thu xuất khẩu 100% qua ngân hàng, giúp đơn vị cho vay quản lý được dòng tiền.
Chính việc "minh bạch" trong đầu ra - đầu vào là tiền đề để các ngân hàng xây dựng sản phẩm, quy trình tài trợ vốn lưu động mà không phụ thuộc vào tài sản bảo đảm của doanh nghiệp, trên cơ sở xác định được đúng mục đích sử dụng vốn, quản lý được dòng tiền.
Các nhà băng thường có nhiều sản phẩm tài trợ xuất khẩu chuyên biệt, theo đó, doanh nghiệp có thể vay không tài sản bảo đảm (tài trợ trước khi giao hàng, sau khi giao hàng,..) giúp doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Hình ảnh minh họa (nguồn: Tạp chí tài chính).
Nguyên nhân thứ ba là các nhà băng khi cho vay doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sẽ thu được nhiều lợi ích của doanh nghiệp ngoài việc cho vay. Mặc dù lãi suất dành cho các DN xuất khẩu luôn ở mức thấp (nhất) của thị trường nhưng bù lại, ngân hàng sẽ thu được phí từ các dịch vụ thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ, casa,...
Trên thực tế, các doanh nghiệp sẽ sử dụng dịch vụ tại chính ngân hàng tài trợ vốn, vì vậy, các nhà băng muốn thu được phí dịch vụ từ thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ,... đều phải mở rộng tập khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo thời báo Ngân hàng, đại diện ShinhanBank tại TP.HCM cho biết, hiện ngân hàng này cho vay khá tốt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mức lãi suất ưu đãi 1-3 năm đầu đối với các khoản vay dành cho doanh nghiệp khoảng 7,5%/năm, sau thời gian này lãi suất cho vay khoảng 8%/năm.
Trong khi đó, các ngân hàng trong nước như HDBank, VPBank, TPBank, OCB… cũng đẩy mạnh hoạt động tài trợ vốn cho nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
TPBank đã tung ra gói tài trợ vốn 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vay vốn phát triển trang trại chăn nuôi với mức lãi suất 8%/năm, nhận thế chấp bằng tài sản là chính trang trại hình thành từ vốn vay hoặc quyền đòi nợ phát sinh theo hợp đồng kinh doanh.
HDBank duy trì đến giữa năm 2022 gói vay ưu đãi (1.000 tỷ đồng) tài trợ chi lương cho khách hàng doanh nghiệp, lãi suất từ 6,8%/năm và các doanh nghiệp có thể vay tín chấp đến 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, VPBank, PvcomBank, MSB, OCB cũng lần lượt đưa ra các gói tài trợ vốn dành cho các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp FDI.
Chẳng hạn, OCB đồng thời triển khai hai gói tín dụng là gói 1.000 tỷ đồng dành cho DN siêu nhỏ: lãi suất từ 7,8%/năm, tài sản đảm bảo linh hoạt, hạn mức vay 95% giá trị tài sản, phương án kinh doanh và gói 1.500 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp FDI: lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6%/năm, miễn toàn bộ phí chuyển tiền quốc tế, và miễn 70% phí phát hành L/C cho 3 giao dịch đầu tiên.
MSB tung ra thị trường sản phẩm Easy Trade dành cho khách hàng doanh nghiệp vay tín chấp lãi suất ưu đãi từ 2,9%/năm với USD và 5,7%/năm với VND, tài trợ vốn không tài sản bảo đảm đến 200 tỷ đồng.