Bước vào những tháng đầu năm 2022, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, dần mở cửa nền kinh tế,... kinh tế Việt Nam đã ghi nhận đà phục hồi, khởi sắc ở một số ngành tích cực.
Điều này còn thể hiện rõ qua một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; trong khi đó Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo con số này sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Mặc dù những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam là có cơ sở, song những tháng cuối năm vẫn còn nhiều trở ngại đến quá trình phục hồi của nền kinh tế cũng như kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Đánh giá về những yếu tố gây áp lực đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong những tháng tới, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định kinh tế Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn như sức ép từ giá dầu thế giới, tác động từ chiến sự Nga - Ukraine hay Fed tăng lãi suất,...
Với sức ép từ giá dầu tăng cao, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng: "Giá dầu hiện tại đã ở mức cao và tôi nghĩ rằng nó cũng đã đạt đỉnh rồi. Nếu tăng cũng sẽ tăng không nhiều vì vậy sức ép từ giá dầu nhìn chung cũng đã đến giới hạn".
Bên cạnh đó, nền kinh tế đang dần phục hồi sau hai năm ghi nhận mức tăng trưởng thấp do đại dịch COVID-19 cho nên quy mô nền kinh tế vẫn đang ở mức dưới tiềm năng, do đó chuyên gia hy vọng mức độ lạm phát mặc dù không thể ở mức thấp như năm 2021, song nó sẽ không ở mức quá cao và có thể kiểm soát được, dưới ngưỡng 4% mà Chính phủ đặt ra.
Chia sẻ quan điểm về tác động của tình hình chiến sự giữa Nga - Ukraine đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Độ cho biết các tác động trực tiếp là không quá lớn, các tác động gián tiếp chủ yếu là qua giá cả hàng hóa tăng cao, còn về phía nguồn cung không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, nguồn cung của một số nguyên liệu đầu vào của Việt Nam lại bị ảnh hưởng khá lớn từ chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại chính của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn bộ nền kinh tế.
Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu từ Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 12,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 12,6% trong quý I.
Nhập khẩu máy móc thiết bị từ Trung Quốc chiếm 1/2 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, giảm 2,3% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm. Nhập khẩu nguyên liệu cho hàng dệt may thu hẹp cũng có nguyên nhân đến từ việc khó khăn trong việc nhập hàng từ Trung Quốc.
Diễn biến trên cho thấy việc gián đoạn nguồn cung do chính sách "Zero-COVID" tại Trung Quốc đã thể hiện nhiều ở khía cạnh nhập khẩu hơn so với xuất khẩu.
Về những tác động xung quanh việc Fed tăng lãi suất, chuyên gia tài chính đánh giá điều này phụ thuộc vào việc Fed tăng nhanh hay chậm, nếu như Fed tiếp tục tăng mạnh nữa thì đây là biến số cần cân nhắc. Còn ở thời điểm hiện tại, mức lãi suất của Fed đang nằm ở mức không quá cao, cho nên nguy cơ gây nên suy thoái là không quá lo ngại.
Ngoài ra, lạm phát ở thời điểm hiện tại chủ yếu là do đứt gãy nguồn cung và yếu tố này được ông đánh giá "không bền". Theo ông, lạm phát tại Mỹ cũng đã đạt mức đỉnh và nếu lạm phát tại Mỹ giảm thì Fed cũng sẽ không tăng mạnh lãi suất nữa.
"Nhìn chung, tôi đánh giá nền kinh tế Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, dù không được như trước đây song năm nay vẫn sẽ giữ được mức tăng trưởng tốt và ổn định, qua đó hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt", TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá.