Cùng với việc lập barie ngăn khách đến cà phê đường tàu, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng khẳng định sẽ thu hồi giấy phép các hộ kinh doanh tại đây, sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng gây mất an toàn hành lang đường sắt.
Điều khiến dư luận băn khoăn là, nếu quả thực các hộ kinh doanh này có giấy phép, thì ai đã cấp phép kinh doanh trong hành lang an toàn đường sắt? Cần xem xét trách nhiệm của người đã cấp phép ra sao?
PV VOV Giao thông đối thoại với Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) và ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nội dung này.
PV: Thưa ông, cà phê đường tàu kinh doanh tại hộ gia đình, theo quy định do ai cấp phép?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của pháp luật, các trường hợp kinh doanh chia làm 2 nhóm: các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể.
Việc cấp giấy phép kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể sẽ do Phòng Kinh tế của UBND cấp quận là cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
PV: Họ có đủ điều kiện cấp phép không khi nhà ở nằm bên trong hành lang đường sắt?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Nghị định 56/2018 của Chính phủ quy định về hành lang đường sắt. Đối với đường sắt tốc độ cao trong đô thị là 5m, ngoài đô thị là 15m; với đường sắt không phải tốc độ cao thì hành lang quy định là 3m.
Như vậy với trường hợp xây dựng hoặc kinh doanh trong hành lang đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật.