Sâu bên dưới sa mạc Sonoran là một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới. Tổng trữ lượng ước tính đạt 18 triệu tấn, tức đủ để phục vụ hơn một nửa số xe điện dự kiến được sản xuất tại Mỹ trong vài thập kỷ tới. Thế nhưng, quá trình khai thác đang vấp phải những phản đối gay gắt của Apache - một nhóm các bộ lạc thổ dân Bắc Mỹ. Họ nói đây là nơi diễn ra nghi lễ Mặt trời mọc thiêng liêng, vốn kéo dài 4 ngày, để đánh dấu tuổi trưởng thành của các thanh niên trong bộ lạc. Wendsler Nosie Sr, đại diện của Apache, một trong số những người phản đối kịch liệt nhất hoạt động khai thác đồng cho biết: “Khu mỏ này như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi”.
Kể từ năm 2008, công ty khai thác mỏ khổng lồ Rio Tinto đã bắt đầu tiến hành đào hầm. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc đảm bảo nguồn cung kim loại cần thiết nhằm hiện thực hóa mục tiêu điện khí hoá xe ô tô, dự án này vẫn bị đình trệ.
Sự chậm trễ cho thấy rõ những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt khi tìm cách xây dựng một nền kinh tế “xanh” hơn: Các nguyên liệu thô cần thiết cho xe điện, tuabin gió và tấm pin mặt trời lại đến từ những khu vực được dân địa phương đặc biệt trân quý. Việc khai thác chúng, theo đó, không dễ dàng gì.
Trong khi phần lớn sự chú ý đang dồn vào lithium, một thành phần quan trọng trong pin xe điện, đồng cũng là thứ kim loại không thể thiếu. Một chiếc ô tô chạy xăng thông thường cần đến khoảng 65 pound đồng cho hệ thống dây điện và thiết bị điện tử, trong khi một chiếc xe EV đòi hỏi lượng đồng nhiều gấp đôi. Chính vì thế, Goldman Sachs dự đoán nhu cầu đồng toàn cầu sẽ bắt đầu vượt xa nguồn cung vào năm 2025, theo đó đẩy giá kim loại này tăng gấp đôi mức hiện tại.
“Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon bắt đầu và kết thúc bằng kim loại. Thiếu đồng, chúng ta sẽ không thể làm được gì”, Bart Melek, chiến lược gia hàng hóa hàng đầu tại Toronto Dominion Bank cho biết.
Ước tính, xe điện sẽ chiếm 40% doanh số bán xe vào năm 2030, cao hơn rất nhiều so với mức chưa đầy 9% của năm ngoái. Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu và đóng góp tới 40% số ô tô điện và hơn một nửa pin EV cho toàn cầu vào năm ngoái.
Tổng thống Joe Biden trước đó tuyên bố Mỹ có thể vượt Trung Quốc trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, đồng thời viện dẫn một số điều luật giúp đẩy nhanh tham vọng này. Tuy nhiên, do không nhận được nhiều sự tán thành từ một số nhà lập pháp, các dự án trọng điểm đang bị trì hoãn khá lâu.
“Làm thế nào để vừa có thể giữ gìn giá trị văn hóa, lại vừa thúc đẩy an ninh chuỗi cung ứng cơ chứ”, Andrew Lye, một nhà địa chất học người Úc, hiện đang quản lý Rio Tinto bày tỏ rõ sự khó khăn. Công việc của anh là dành vài ngày mỗi tuần đến Arizona và Washington, gặp gỡ các chính trị gia, cộng đồng và một số đối tác kinh doanh. Lye có nhiệm vụ xoa dịu nỗi bất an của người dân địa phương, rằng các công ty khai thác sẽ lắng nghe ý kiến của họ. Hai năm trước, việc Rio Tinto cho nổ tung khu di sản 40.000 năm tuổi để mở rộng một mỏ sắt đã khiến người bản địa phản ứng dữ dội.
Một số giám đốc điều hành cấp cao sau đó bị sa thải và Jakob Stausholm, giám đốc đương nhiệm của Rio Tinto nhấn mạnh, bản thân sẽ ưu tiên hơn các mối quan hệ với cộng đồng. Rất nhiều người dân địa phương đã được thuê để trò chuyện và trấn an gia đình, bạn bè mình.
“Dự án có thể mang lại rất nhiều cơ hội. Điều quan trọng là phải duy trì sự minh bạch với các bộ lạc.”, Willard Antone III, một thành viên của Cộng đồng người da đỏ sông Gila, người đóng vai trò “cầu nối” giữa Rio và người dân địa phương cho biết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, những dự án như thế này chắc chắn sẽ tàn phá môi trường và chẳng bao giờ thực sự lắng nghe cộng đồng.
“Bạn thấy đấy, hệ luỵ là sự ô nhiễm đối với nguồn nước và cuộc sống của người dân. Vùng đất này rất linh thiêng, và nó làm nên tên tuổi của chúng tôi”, một người dân địa phương chia sẻ với Bloomberg.
Chính phủ cuối cùng cũng sẽ đưa ra quyết định về việc hoán đổi đất. Ngoài ý kiến tán thành, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont và một số thành viên quốc hội khác lại khá chần chừ, với lý do lo ngại tác động đối với môi trường và quyền lợi người dân. Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể trì hoãn vấn đề này đến khi cuộc bầu cử tháng 11 kết thúc.
Trước đó, Bộ Nội vụ Mỹ cũng yêu cầu dừng hợp đồng cho thuê đối với một khu mỏ tại bắc Minnesota với lý do phân tích môi trường không đầy đủ. Dự án khai thác lithium tại mỏ lộ thiên ở Nevada cũng đã bị trì hoãn trước lo ngại ảnh hưởng đến lượng nước ngầm cần thiết cho gia súc.
Hiện Mỹ sản xuất 1,2 triệu tấn đồng mỗi năm, trong đó khu mỏ lớn nhất - Morenci ở Arizona - đã hoạt động từ năm 1939. Sản lượng năm ngoái đã giảm 10% xuống chỉ còn khoảng 400.000 tấn và dự kiến chỉ có thể khai thác đến năm 2040. Nếu Rio Tinto hoàn thành đúng mục tiêu cung cấp đủ 450.000 tấn đồng mỗi năm, lượng đồng Mỹ khai thác sẽ tăng lên 40%, qua đó giúp các nhà sản xuất có nguồn kim loại ổn định. Tuy nhiên, ngay cả khi việc hoán đổi đất được thông qua, các khu mỏ này cũng sẽ không thể đạt đủ sản lượng trong ít nhất một thập kỷ, bởi dự án vẫn cần rất nhiều giấy phép từ chính quyền địa phương.
Ngoài đồng, việc khai thác niken tại bang Minnesota, Mỹ cũng đang vấp phải sự phản đối gay gắt của một ngôi làng với dân số chỉ khoảng 100 người. Thực tế, đa số các hầm mỏ và nhà máy tại Mỹ nếu ứng dụng công nghệ cao có thể giúp quá trình khai thác ít gây hại đến môi trường, song, nhiều người vẫn quan ngại, việc khoan đục cường độ mạnh vẫn sẽ tác động xấu lên không khí, đất và nguồn nước xung quanh.
Mối nguy hại mà động thực vật có thể phải đối mặt tới từ quặng sunfit; thứ quặng có thể khiến axit sunfuric (H2SO4) và kim loại nặng rò rỉ ra môi trường.
“Lúa hoang, món quà của tạo hóa, rồi cũng sẽ hóa cát bụi nếu sunfit rò rỉ ra sông hồ. Nghĩ thôi đã thấy sợ. Chúng tôi đến đây trước, vì vậy tiếng nói của chúng tôi phải được ghi nhận”, một người dân địa phương lên tiếng.
Theo: Bloomberg, The New York Times