Dinh dưỡng

Rước bệnh từ thói quen gộp bữa sáng thành bữa trưa

Thúy, ở Đống Đa, đã quen gộp bữa sáng thành bữa trưa trong nhiều năm, do thói quen dậy muộn. Là nhân viên công nghệ thông tin, cô "ôm" nhiều việc làm thêm, thường xuyên thức đến ba giờ sáng. Hôm sau, cô dậy sát giờ làm, đến công ty ngồi họp, xử lý các nhiệm vụ, nhìn lên đồng hồ đã gần trưa, nên "bấm bụng" đợi đến 11h30 xuống căng tin ăn cùng đồng nghiệp.

Khoảng ba tháng nay, nữ nhân viên hay đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, trào ngược, ăn không ngon miệng, da xanh xao, nhiều đêm mất ngủ. Cô đến Bệnh viện Đại học Y kiểm tra, được chẩn đoán viêm dạ dày, HP, trào ngược do thường xuyên thức khuya, sinh hoạt thất thường.

Thói ăn uống vô tội vạ cũng khiến Dung, 29 tuổi, sụt 6 kg trong một tháng, chỉ còn 47 kg. Mỗi ngày, cô thức bán hàng qua mạng và gói hàng đến hai giờ sáng, sau đó ngủ đến 10h, 11h ngày hôm sau. Khi tỉnh dậy, cô phải uống một ly cà phê để đầu óc tỉnh táo hơn, gộp bữa sáng thành bữa trưa.

"Vì ăn sáng muộn, mình phải uống cà phê lót dạ để lấy lại năng lượng, sau đó đợi đến giờ trưa mới ăn sáng", Dung nói.

Ngoài ra, Dung nhịn ăn sáng để giảm cân theo chế độ "nhịn ăn gián đoạn". Một năm trước, cô tăng 18 kg do sinh con, cơ thể ục ịch, "như cục mỡ di động". Cô thường nhịn ăn từ 6h tối ngày hôm trước đến 12h trưa hôm sau để đốt mỡ, giảm cân song cơ thể luôn mệt mỏi, không tập trung làm việc.

Dung thường ngủ dậy lúc 10h sáng, sau đó mới ăn sáng - cũng là bữa ăn trưa trong ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dung thường ngủ dậy lúc 10h sáng, sau đó mới ăn sáng - cũng là bữa ăn trưa trong ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết chưa có thống kê cụ thể, song thói quen "ăn sáng giờ trưa" dần trở nên phổ biến, tập trung ở nhóm 25-40 tuổi, người làm việc văn phòng, công việc tự do... Việc bỏ bữa sáng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe đối với một số người.

Theo bác sĩ, mỗi ngày cơ thể cần 2.000 - 2.500 calo, trong đó bữa sáng chiếm 400 - 500 calo, giúp tái cung cấp năng lượng sau một giấc ngủ dài. Với người coi bữa sáng là chủ đạo, việc hạn chế hoặc nhịn ăn sáng có thể giúp họ giảm cân. Trường hợp xem bữa trưa hoặc bữa tối là quan trọng, việc nhịn bữa sáng có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí gây tăng cân do dễ dàng cảm thấy đói và ăn uống không kiểm soát.

"Ăn sáng muộn hoặc không ăn sáng có thể khiến cơ thể không phục hồi dự trữ glycogen (vai trò chất dự trữ năng lượng cho cơ thể) sau một đêm, dẫn đến hạ đường huyết", bác sĩ nói. Nhịn ăn sáng cũng khiến mọi người mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, không tập trung trong công việc hoặc học tập.

Nhiều người không ăn sáng và sau đó tiêu thụ một lượng lớn thức ăn vào buổi trưa dễ gặp vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày hoặc đau bụng, viêm loét dạ dày; kích thích hệ tiêu hóa khiến cho thói quen đi vệ sinh hàng ngày bị thay đổi, gây tiêu chảy, buồn nôn hoặc bị táo bón.

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết nhiều người xem bữa sáng chỉ là phụ nên thường xuyên bỏ qua. Về nguyên lý, sau khi kết thúc bữa tối, qua một đêm đến 6 giờ sáng hôm sau là khoảng 10-12 tiếng dạ dày "trống rỗng", chưa kể phải chuẩn bị năng lượng cho cả một ngày làm việc mới nên cần được bổ sung năng lượng.

Nếu bỏ ăn sáng, cơ thể không có nguồn cung năng lượng, buộc phải huy động một lượng đường và protein dự trữ, làm tăng quá trình lão hóa. Trong khi đó, vào buổi tối, mọi người ít hoạt động nhưng tiêu thụ nhiều thực phẩm sẽ khiến lượng mỡ tích tụ ngày càng nhiều, dẫn đến thừa cân - béo phì.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, năm 2022, cho rằng việc chỉ ăn một bữa mỗi ngày làm tăng nguy cơ tử vong ở người Mỹ từ 40 tuổi trở lên. Bỏ bữa sáng hoặc bữa tối làm gia tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Người ăn hai hoặc ba bữa cách nhau dưới 4,5 tiếng có tỷ lệ tử vong vì mọi nguyên nhân cao hơn.

Tạp chí Tim mạch Dự phòng châu Âu cũng cho biết người bỏ bữa sáng và ăn tối muộn có nguy cơ tử vong cao gấp 4-5 lần vì bệnh tim mạch, so với người không có thói quen này. Nhịn ăn sáng có thể làm tăng mức cortisol, có khả năng dẫn đến thèm ăn nhiều hơn và chất lượng giấc ngủ kém.

Bữa ăn sáng nên ăn trước 8h, không nên gộp thành bữa trưa. Ảnh: Verywellhealth

Bữa ăn sáng nên ăn trước 8h, không nên gộp thành bữa trưa. Ảnh: Verywellhealth

Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì chế độ ăn cân đối và đầy đủ dinh dưỡng, ăn đủ bữa và đúng giờ, kiểm soát khẩu phần ăn. Nên dùng bữa sáng trước 8h, hoặc sau khi thức dậy 30 phút đến một tiếng. Bữa ăn sáng cần đầy đủ, cân đối dinh dưỡng, gồm protein trong ngày, tinh bột, chất đạm, chất béo, trái cây và rau củ.

Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn. Kiểm soát lượng dầu mỡ. Hạn chế ăn sáng bằng bánh ngọt, nhiều đường, hoặc sử dụng lại thức ăn thừa.

"Tuyệt đối không nhịn đói, chỉ giảm các loại thức ăn nhiều năng lượng như mỡ, món chiên, quay, xào, thịt mỡ, đồ ngọt", bác sĩ Vũ khuyên.

*Tên nhân vật được thay đổi

Cùng chuyên mục

Đọc thêm