Doanh nghiệp

18 tháng "lạc đường", 2 lần thay CEO, Pharmacity tính lấy lại vị thế số 1 từ Long Châu thế nào?

TIN MỚI

Ghế "nóng" 

Thành lập từ năm 2011, Pharmacity từng sở hữu số lượng nhà thuốc lớn nhất Việt Nam, với quy mô thời cao điểm lên tới gần 1.200 cửa hàng, trải dài khắp cả nước. Thậm chí, ông Chris Bank, nhà sáng lập Pharmacity đã đặt ra tham vọng đến năm 2025, Pharmacity có 5000 cửa hàng trên toàn quốc.

Vị thế của Pharmacity vẫn tiếp tục duy trì với khoảng 1.100 cơ sở cho tới tháng 8/2022. Thời điểm này, Long Châu dần nổi lên như một "thế lực mới", khi chỉ trong vòng 6 tháng năm 2022, quy mô mở rộng từ 517 tăng lên 800 cửa hàng.

Cũng trong năm 2022, Pharmacity đã trải qua một sự thay đổi lớn về nhân sự cấp cao khi nhà sáng lập Chris Blank rời vị trí tổng giám đốc và cả đại diện pháp luật. 

Sự thay đổi nhanh chóng ở những vị trí "ghế nóng" được Pharmacity gọi là "18 tháng chuyển đổi đầy chông gai".

Trong 18 tháng đó, Pharmacity đóng cửa bớt các cửa hàng hoạt động không hiệu quả, mở mới ở những vị trí chiến lược hơn sau khi nhận thấy thói quen người tiêu dùng đã thay đổi sau đại dịch.

Sau cuộc tái cấu trúc, số lượng cửa hàng Pharmacity đã giảm xuống còn 936 cửa hàng. Cùng lúc, Long Châu  đạt 1009 cửa hàng, chính thức soán ngôi Pharmacity trong cuộc đua dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm.

Năm 2021 cũng đánh dấu sự hoán đổi vị trí xếp hạng doanh thu giữa 2 chuỗi cửa hàng thuốc lớn nhất thị trường. Theo dữ liệu, Long Châu ghi nhận sự bứt tốc, với doanh thu thuần 3.977 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2020 và vượt qua con số 3.618 tỷ đồng của Pharmacity. 

18 tháng 'lạc đường', 2 lần thay CEO, Pharmacity tính lấy lại vị thế số 1 từ Long Châu thế nào?- Ảnh 1.

Áp lực 

Dù dẫn đầu ngành bán lẻ, Pharmacity vẫn đang gặp khó trong quá trình tìm điểm hoà vốn và có lãi.

Năm 2019, Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 265 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, Pharmacity lỗ ròng sau thuế hơn 194 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước; kết năm 2020 ghi nhận chuỗi này âm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 đã lên hơn 1.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Pharmacity vẫn đang "vật lộn" để giải quyết khoản lỗ lũy kế này.

18 tháng 'lạc đường', 2 lần thay CEO, Pharmacity tính lấy lại vị thế số 1 từ Long Châu thế nào?- Ảnh 2.

Sự "hụt hơi" của Pharmacity trước Long Châu tới từ việc chuỗi nhà thuốc này theo đuổi mô hình tiện lợi. Theo chuyên gia, trong khi ở Việt Nam, nhu cầu mua thuốc kê đơn của người dân vẫn còn lớn.

Ngược lại với Pharmacity, Long Châu không theo đuổi mô hình này. Bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail cho hay đây là mô hình của tương lai chứ không phải của hiện tại. Mục tiêu mà Long Châu đang theo đuổi là nhà thuốc kê đơn để đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng là giá cả Pharmacity chưa đủ cạnh tranh. Tân CEO mới của Pharmacity, ông Madan thừa nhận chưa điều chỉnh hiệu quả giá bán tại chuỗi dẫn tới giá tại Pharmacity cao hơn so với nhà thuốc khác.

Trong khi đó, bà Bạch Điệp khẳng định, 80% hàng hóa của Long Châu rẻ hơn thị trường. "Điều này tôi có thể đảm bảo, vì tôi đã kiểm tra hàng tuần", bà Điệp cho hay.

Theo SSI Research, ở Pharmacity tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc chiếm đến hơn 70% thì tại Long Châu, tỷ trọng thuốc là 70-80%. Pharmacity còn mở rộng bán thêm sản phẩm ở mảng khác.

Cuộc đua "phục vị" 

18 tháng 'lạc đường', 2 lần thay CEO, Pharmacity tính lấy lại vị thế số 1 từ Long Châu thế nào?- Ảnh 3.

Trong bài phỏng vấn gần đây nhất, tân CEO của Pharmacity đã thừa nhận tất cả những thiếu sót của chuỗi lúc trước. Pharmacity đã vấp phải sai lầm là định giá bán thiếu cạnh tranh và không đảm bảo lượng hàng hóa.

Không còn theo đuổi mô hình "nhà thuốc tiện lợi", Pharmacity cho biết trong thời gian tới sẽ mong muốn giữ vị trí là nhà cung cấp thuốc cho mọi nhóm bệnh.

Đổi hướng sang mô hình "đủ thuốc" như Long Châu đã từng làm, Pharmacity đặt mục tiêu tập trung bổ sung đầy đủ các loại thuốc để đáp ứng đủ các toa thuốc kê theo đơn bệnh viện.

Về giá bán, ông Madan cho biết Pharmacity đã điều chỉnh chính sách giá bán và thay đổi tư duy vận hành. Hiện tại, nhà thuốc cung cấp nhiều sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau, trong đó hơn 1000 mặt hàng thuốc đã giảm giá thành.

"Pharmacity đang có mức giá mới cạnh tranh mà ít nhà thuốc nào có thể làm được", CEO Pharmacity khẳng định.

Theo ông Madan, chiến lược của Pharmacity trong thời gian tới không hướng tới cạnh tranh theo mô hình giá rẻ nhất. Thay vào đó, Pharmacity tập trung cung cấp sản phẩm chính hãng, chất lượng cao với giá thành phù hợp.

Điều này được minh chứng bởi thiết kế nhà thuốc đóng của Pharmacity. Mô hình nhà thuốc này cho phép thuốc được bảo quản tại nhiệt độ phù hợp theo quy chuẩn GPP, đảm bảo chất lượng thuốc và các sản phẩm khác ở mức tối ưu. 

Dù Pharmacity đang từng bước cải tổ lại bộ máy, hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời của Pharmacity vẫn còn là một ẩn số. "Đường dài mới biết ngựa hay", có lẽ kết quả mang lại như thế nào vẫn cần thời gian trả lời.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm