Trong sự kiện Scale-Up Forum do Endeavor Việt Nam tổ chức cuối tuần trước, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, kể lại câu chuyện năm cách đây 12 năm, khi FPT lần đầu lên sàn chứng khoán (IPO) và những bài học ông rút ra từ việc công ty khởi nghiệp đột nhiên có quá nhiều tiền.
"Gần 20 năm làm ở FPT, tôi khẳng định công ty chưa bao giờ cần tiền. Nhưng giai đoạn 2006, chúng tôi quyết định IPO vì nhận ra muốn thành công hơn nữa, muốn sánh ngang với những tên tuổi lớn, chúng tôi phải gọi vốn, phải lên sàn chứng khoán. Ngày 13/12/2006, FPT lên sàn, sau một đêm, công ty có hơn 150 triệu phú USD", ông Tiến kể. Ngay sau đó, cả công ty mắc một bệnh mà nhiều startup Việt bây cũng gặp phải đó là "đột kim" - bỗng nhiên có quá nhiều tiền và không biết dùng vào việc gì.
Ông Tiến cho rằng điều này khiến startup có thể đối mặt với hai rủi ro lớn. Thứ nhất là nghĩ mình rất giàu và giỏi, đem tiền đi đầu tư khắp nơi, sau đấy thất bại. Thứ hai là vì đột nhiên có nhiều tiền, một số người trong tổ chức quyết định nghỉ ngơi, không làm việc nữa.
"FPT khi đó gặp cả hai trường hợp này. Chúng tôi đi đầu tư khắp các lĩnh vực từ ngân hàng đến bất động sản nhưng thất bại, quay về công nghệ lại thành công. Trong số hơn 150 triệu phú USD, gần 100 người quyết định nghỉ việc vì chỉ cần nhận cổ tức hàng năm đã cao hơn tiền lương, không cần đi làm nữa. Đây là điều rất nguy hiểm với startup khi gọi vốn, lên sàn chứng khoán", ông lưu ý.
Còn theo ông Lương Duy Hoài, CEO Scommerce, gọi vốn là hành trình thần kỳ với startup, nhưng nó có hai mặt. Mặt tích cực là doanh nghiệp có tiền, nổi tiếng hơn, mở rộng hoạt động... Ngược lại, họ không biết tập trung vào cái gì, dùng số tiền như thế nào. Nhiều nhân sự bị đặt sai vị trí và nhiều bài học phải trả từ việc gọi vốn thành công.
Ở góc độ một startup không đi theo con đường gọi vốn, ông Phan Thế Dũng, CEO Rikkeisoft, cho rằng một lý do khiến công ty phát triển từ 100 người lên 1.000 người trong vòng bốn năm nhưng vẫn không thực hiện gọi vốn bên ngoài là do lo ngại các quỹ đầu tư không thật sự hiểu và chia sẻ tầm nhìn với mình.
"Công nghệ có quá nhiều cái mới, ví dụ mình muốn đầu tư blockchain, nhưng có thể quỹ đầu tư không thích, khiến mình không được làm. Không phải nhà đầu tư nào cũng am hiểu về ngành. Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa nghĩ đến việc cần số tiền lớn như thế để làm gì. Lợi nhuận công ty tích lũy hàng năm không nhiều nhưng vẫn đủ vận hành, phát triển theo kế hoạch", ông Dũng nói.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, việc không gọi vốn từ bên ngoài cũng khiến tổ chức đối mặt không ít khó khăn. "Khi công ty phát triển đủ lớn, số lượng nhân viên đông, doanh thu trên đầu người có thể thấp đi. Nguồn lực không đủ gồng gánh tất cả, doanh nghiệp khi đó phải lựa chọn. Có giai đoạn chúng tôi phải giải tán đội làm sản phẩm để tập trung cho gia công phần mềm", CEO Rikkeisoift kể.
Theo ông Lương Duy Hoài, bài học rút ra với các startup là không nên gọi vốn khi chưa biết dùng tiền ra sao. "Cứ gọi vốn đi, có tiền rồi tính tiếp là tư duy sai ngay từ đầu. Startup phải cân nhắc kỹ cần tiền để làm gì, dùng vào việc gì, nếu không sẽ đối mặt với nhiều hậu quả từ việc đột nhiên có quá nhiều tiền", ông nhấn mạnh.