Hà Nội - "Thành phố trong sông", ngay từ ý nghĩa tên gọi đã cho thấy tầm quan trọng của những cây cầu bắc qua sông Hồng, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng mà còn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển những cây cầu bắc qua sông là một trong những giải pháp căn cơ và dài hạn giúp thành phố cũng như các địa phương bên kia sông Hồng mở rộng, giải phóng quỹ đất.
Bên cạnh 6 cây cầu bắc qua sông Hồng hiện hữu gồm cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân, theo đồ án quy hoạch, ở giai đoạn 1, Hà Nội dự kiến sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng trong thời gian tới.
Cụ thể, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, hai làn hỗn hợp).
Cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Cầu Tứ Liên kết nối trục đường chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Ngoài ra, thành phố cũng xác định xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long. Như vậy, trong số 8 cây cầu bắc qua sông Hồng được nằm trong đồ án quy hoạch, cầu Vĩnh Tuy 2 là cầu duy nhất đang được thi công.
Cầu Hồng Hà
Cầu Hồng Hà là ranh giới phân định đầu tiên của phân khu đô thị sông Hồng và cũng là một trong ba dự án cầu vượt sông thuộc dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Theo quy hoạch, cầu Hồng Hà dự kiến bắc qua hai huyện Đan Phượng và Mê Linh, cụ thể phía Bắc cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam cầu tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Kinh phí dự kiến xây cầu này trên 9.000 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn khoảng 6 km.
Sau khi hình thành, cầu Hồng Hà không những đóng vai trò là lộ trình kết nối giao thông đi lại giữa hai huyện Đan Phương tới Mê Linh mà còn giúp giảm tải mật độ giao thông trên cầu Thăng Long hiện nay và cầu Thượng Cát trong tương lai gần.
Với quy hoạch cầu Hồng Hà, không chỉ hai huyện Đan Phượng và Mê Linh nói chung mà nhiều dự án đầu tư nơi đây cũng được hưởng lợi về mặt giao thông kết nối. Chẳng hạn một số dự án có vị trí khá gần với khu vực cầu Hồng Hà như Vinhomes Mega Mall Wonder Park hay KĐT The Phoenix Garden (huyện Hoài Đức).
Trong khi đó, tại phía Bắc cầu Hồng Hà Thuộc huyện Mê Linh, hiện nay đang đầu tư nhiều dự án bất động sản như Mê Linh Vista, Mê Linh New City, Mê Linh Cenco 5...
Cầu Thượng Cát
Theo quy hoạch, cầu Thượng Cát có kinh phí xây dựng khoảng 6.000 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn dự kiến là 4,5 km, chạy từ xã Thượng Cát (Bắc Từ Liêm) đến xã Đại Mạch (Đông Anh).
Dự án cầu Thượng Cát bắt đầu từ đường Vành đai 3,5, chạy cắt ngang qua con đê Thượng Cát sang xã Đại Mạch, Đông anh. Ngoài ra, dự án cầu Thượng Cát còn cắt ngang đường Tây Thăng Long và đường nối cầu Nhật Tân với Vành đai 4.
Theo đó, vị trí phía Bắc của cầu dự kiến sẽ nối thẳng đến KCN Thăng Long (huyện Đông Anh). Ở khu vực chân cầu, Hà Nội dự kiến xây dựng tổ hợp công trình công cộng tài chính, dịch vụ thương mại.
Dự kiến, sau khi dự án cầu Thượng Cát và tuyến đường Vành đai 3,5 được triển khai và đưa vào hoạt đông, nhiều dự án xung quanh sẽ được hưởng lợi. Chẳng hạn như: Dự án Newtatco Lai Xá, Vinhomes Mega Mall Wonder Parks, KĐT Kim Chung - Di Trạch, Mê Linh New City Minh Giang, Mê Linh Cenco 5...
Cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974 và chính thức khánh thành ngày 9/5/1985, sau 11 năm thi công. Cầu được xây dựng nhằm tăng thêm khả năng kết nối của Hà Nội sang bên kia sông Hồng vốn chỉ có mỗi cầu Long Biên đã quá tải.
Cầu hiện tại có hai tầng, quy mô 4 làn tầng trên dành cho ô tô và hai lan tầng dưới dành cho xe thô sơ. Vào hồi năm 2020, cầu Thăng Long đã trả qua một đợt sửa chữa do bề mặt cầu nhiều lần xuất hiện hư hỏng xuống cấp.
Dự kiến, Hà Nội sẽ xây thêm cầu Thăng Long mới nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, vị trí ngay cạnh cầu Thăng Long hiện tại.
Việc sửa chữa cầu Thăng Long cũ cũng như dự án xây thêm cầu Thăng Long mới không những giúp kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác toàn tuyến Vành đai 3 mà còn góp phần quan trọng vào việc lưu thông, kết nối vận tải giữa TP Hà Nội với sân bay Quốc tế Nội Bà và các tỉnh thành phía Tây Bắc.
Ngoài ra, với dự án cầu Thăng Long mới, nhiều dự án hạ tầng sẽ được hưởng lợi do nằm sát hoặc gần khu vực cầu Thăng Long mới. Chẳng hạn như: Khu đô thị Ciputra, Khu Chung cư Tây Hồ Riverview, Ecohome 1, Khu đô thị Resco...
Cầu Tứ Liên
Cầu Tứ Liên có chiều dài và đường dẫn 4,84 km, phương án thiết kế được dự tính là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn với tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Cầu giúp kết nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, cụ thể đầu cầu phía quận Tây Hồ là phường Tứ Liên, phía huyện Đông Anh là xã Xuân Canh và Đông Hội.
Sau khi cầu Tứ Liên đi vào hoạt động, hệ thống đường dẫn sẽ nối cầu với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đi qua các xã Mai Lâm, Dục Tú và Cổ Loa. Việc xây dựng cầu Tứ Liên cũng sẽ tác động tích cực tới hàng loạt dự án xung quanh khu vực này, điển hình như các dự án của Vingroup và Sungroup.
Cụ thể, dự án Vinhomes Cổ Loa quy mô 388,5 ha nằm trên địa bàn các xã Xuân Canh, Đông Hội và Mai Lâm. Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên chạy dọc ranh giới phía đông nam dự án của Vingroup.
Trong khi đó, dự án Sun Grant City của Sungroup có quy mô 143,6 ha cũng được hưởng lợi sau khi cầu Tứ Liên được khởi công và đi vào hoạt động. Dự án nằm tại địa bàn xã Vĩnh Ngọc và Xuân Canh. Theo UBND huyện Đông Anh, dự án này dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, Sungroup cũng đang đầu tư Công viên Văn hóa, Du lịch, Vui chơi giải trí Kim Quy trên tổng diện tích 101 ha tại xã Vĩnh Ngọc và Tiên Dương. Dự án này nằm trên Vành đai 2, cách vị trí làm cầu Tứ Liên khoảng 6 km theo hướng đi sân bay Nội Bài.
Ngoài các dự án của Sungroup hay Vingroup, nhiều dự án khác nằm xung quanh khu vực cầu Tứ Liên cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới như: Khu đô thị Xuân Canh - Vĩnh Ngọc 118 ha thuộc xã Xuân Canh và Vĩnh Ngọc; Khu cây xanh sinh thái, vui chơi giải trí tại xã Dục Tú 175 ha; Công viên Tây Nam Cổ Loa 158 ha...
Cầu Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2
Bên cạnh mục tiêu kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông của TP, dự án cầu Trần Hưng Đạo còn được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho cầu Long Biên và Chương Dương. Tổng chiều dài cầu Trần Hưng Đạo, gồm cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km qua ba quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Quy mô cầu tối thiểu từ 4 đến 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng.
Với vị trí quy hoạch, cầu Trần Hưng Đạo giúp liên kết Vành đai 1 phía trung tâm Hà Nội với các trục huyết mạch ở chuỗi đô thị phía Đông như Cổ Linh, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vành đai 2 và Vành đai 3...
Hiện, công trình đang được lấy ý tưởng thiết kế thông qua một cuộc thi do Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội tổ chức.
Ngoài ra, trong số 8 cây cầu bắc qua sông Hồng nằm trong quy hoạch được xây mới trong thời gian tới, chỉ có duy nhất cầu Vĩnh Tuy 2 đang ở trong giai đoạn thi công. Dự án được khởi công từ tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng; tiến độ hoàn thành dự kiến vào năm 2023.
Cầu có thiết kế giống cầu Vĩnh Tuy 1 với tổng chiều dài và đường dẫn là hơn 3,4 km; mặt cắt ngang là 19,25m (4 làn xe); chiều cao tĩnh không cầu là 11m; điểm đầu tại Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối tại Km4 + 312,62 (giao với đường Long Biên-Thạch Bàn, đường Cổ Linh).
Thông tin về tiến độ dự án, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết hiện dự án đã hoàn thành trên 43% khối lượng công việc. Đơn vị đang tập trung thi công các trụ vượt sông. Trong đó, 90% số cột trụ đã hoàn thành và đường dẫn vượt bãi sông đang dần hoàn thiện. Phấn đấu sang năm 2023 sẽ hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng.
Với việc hình thành cây cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vĩnh Tuy 2 cũng như các cây cầu khác bắc qua sông Hồng kết nối thành phố với khu Đông Hà Nội, hàng loạt các dự án chung cư, trung tâm thương mại của các doanh nghiệp lớn đã rót vốn vào khu vực này như Vingroup, Him Lam, Aeon, BRG Group...
Cụ thể, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ kết nối nội đô và khu Đông Hà Nội tới các dự án như Sân Golf Long Biên, Khu đô thị Vinhomes Riverside, TTTM Aeon Mall Long Biên, Him Lam Vĩnh Tuy, Him Lam Thượng Thanh, Le Grand Jardin, Khu đô thị Việt Hưng...
Cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở
Cầu Ngọc Hồi được quy hoạch để kết nối huyện Thanh Trì từ đoạn Vành đai 3,5 giao với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tới huyện Gia Lâm của Hà Nội, giáp thị trấn Văn Giang (Hưng Yên). Cầu dự kiến có kinh phí đầu tư khoảng trên 4.800 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn 13,8 km.
Trong khi đó, cũng giống như cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở là một trong ba cây cầu vượt sông thuộc dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và cũng là ranh giới phân định cuối của phân khu đô thị sông Hồng. Dự án nhằm kết nối huyện Thường Tín (Hà Nội) và huyện Văn Giang (Hưng Yên) cùng tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng với chiều dài và đường dẫn 13,8 km.
Đường dẫn lên cầu Mễ Sở thuộc địa bàn huyện Thường Tín sẽ giao cắt với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1A. Vành đai 4 từ QL1A đến cầu Mễ Sở theo quy hoạch dài khoảng 4 km. Trong khi đó, ở phía bên kia cầu thuộc huyện Văn Giang, hệ thống đường dẫn từ cầu Mễ Sở sẽ giao cắt với đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Với quy hoạch cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và hai dự án đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4, nhiều dự án thuộc khu vực huyện Gia Lâm cũng như thị trấn Văn Giang sẽ được hưởng lợi. Điển hình như loạt dự án của Vingroup gồm Khu đô thị Ecopark, Vinhomes Dream City, Vinhomes Đại An.
Chỉ tính ba khu đô thị Ecopark, Dream City và Đại An (phần nằm trên địa bàn huyện Văn Giang) đã chiếm khoảng 1/7 diện tích toàn huyện. Trong khi đó, thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Hưng Yên thì huyện Văn Giang còn có hàng loạt khu đô thị khác như: Xuân Cầu, Minh Giang, Xuân Thành, Hòa Bình Green...
Ngoài ra, cầu Mễ Sở còn giúp tạo liên kết vùng, thuận lợi hơn cho việc di chuyển hàng hóa tại các KCN, CCN như KCN Hà Bình Phương, CCN Liên Phương, CCN Công nghệ cao Thường Tín...