Thời sự

Đề xuất đưa COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, được hưởng BHXH

Bộ Y tế đang dự thảo thông tư bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Theo đó, trong dự thảo đề xuất 6 nhóm ngành, nghề có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao được đề xuất là bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH.

Cụ thể, 6 nhóm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với SARS-CoV-2 gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế;

Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2;

Người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà;

Người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19;

Người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19;

Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 (gồm giám sát, điều tra, xác minh dịch; nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng, chống dịch COVID-19).

Những trường hợp này có thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp) là một lần.

Khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó là 28 ngày.

Hồ sơ hưởng chính sách bệnh nghề nghiệp với chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 phải kèm theo giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận bị mắc bệnh COVID-19, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.

Dự thảo cũng nêu các nhóm di chứng sau khỏi bệnh COVID-19, trong đó có triệu chứng chung toàn thân (các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, đau khớp, đau cơ), rối loạn vị giác, rối loạn khứu giác, rụng tóc; hô hấp (viêm phổi, viêm phổi kẽ, thuyên tắc mạch phổi là các tổn thương xơ phổi, giãn phế nang, xẹp phổi, suy giảm chức năng hô hấp).

Ngoài ra, di chứng sau khỏi bệnh COVID-19 còn có tim mạch (rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, nhồi máu mạch vành, xơ cơ tim đau ngực tăng huyết áp); thần kinh (liệt vận động, động kinh, liệt thần kinh sọ não, viêm não - tủy tự miễn...); tâm thần (ảo giác, rối loạn hoang tưởng, rối loạn khí sắc, rối loạn trầm cảm, rối loạn nhận thức...)...

Thời gian khám xác định di chứng là sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19.

"Những người làm nghề trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày thông tư này có hiệu lực được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp, khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định…", dự thảo thông tư của Bộ Y tế nêu rõ.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm