Thời sự

"Quả bom nổ chậm" TikTok: Cỗ máy kiếm tiền tỷ đô nhưng liên tục bị điều tra vì lọt nội dung nguy hiểm, bị cáo buộc tiếp tay cho nạn buôn người

Tờ Financial Times mới đây cho biết Bộ An ninh Nội địa (DHS) Mỹ đang xem xét điều tra TikTok để nắm rõ cách nền tảng này xử lý các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em. Phía Bộ Tư pháp (DoJ) Mỹ cũng đang điều tra về việc một tính năng riêng tư có tên “Only me’’ đang bị kẻ xấu lợi dụng.

NGHI NGỜ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG 

Động thái trên được đưa ra sau khi khi một chuyên gia về quyền trẻ em báo cáo với TikTok rằng các nội dung lạm dụng tình dục trẻ (CSAM) đang tràn lan trên khắp nền tảng. Kẻ xấu chọn TikTok đơn giản là bởi ứng dụng này thu hút rất nhiều các đối tượng trẻ non nớt và dễ dụ. 

Dù TikTok có 100.000 kiểm duyệt viên trên khắp toàn cầu, song đội ngũ này vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nội dung video. Trong giai đoạn 2019-2021, các cuộc điều tra lạm dụng trẻ em có liên quan tới TikTok đã tăng lên 7 lần.

Được biết, thông qua tính năng "Only Me" của TikTok, kẻ xấu đã sử dụng các tài khoản cá nhân để giao dịch video CSAM thông qua hình thức chia sẻ mật khẩu tài khoản. Những người này sẽ đăng các nội dung bị cấm dưới dạng “chỉ mình tôi” để mỗi chủ tài khoản mới có thể xem được, sau đó bán hoặc chia sẻ clip với những kẻ khác.

Quả bom nổ chậm TikTok: Cỗ máy kiếm tiền tỷ đô nhưng liên tục bị điều tra vì lọt nội dung nguy hiểm, bị cáo buộc tiếp tay cho nạn buôn người - Ảnh 1.

Các nội dung lạm dụng tình dục trẻ (CSAM) đang tràn lan trên khắp nền tảng TikTok

Đáp lại, đại diện TikTok cho biết họ đã làm việc với các cơ quan chức năng và xóa các tài khoản và nội dung liên quan đến CSAM.

"TikTok không cho phép các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em. Khi phát hiện ra CSAM, chúng tôi sẽ xóa nội dung, khóa tài khoản và báo cáo ngay cho Trung tâm Quốc gia về Trẻ em (NCMEC). Sau đó, Tiktok sẽ hợp tác cùng cơ quan thực thi pháp luật nếu cần", TikTok nói.

Hiện tại, cả DHS và DoJ đều chưa đưa ra bất cứ kết luận và hình phạt nào. Cũng vẫn chưa rõ liệu các cuộc điều tra mới đây sẽ ảnh hưởng tới TikTok ra sao, song hệ lụy sau này là không thể tránh khỏi.

DÍNH CÁO BUỘC TIẾP TAY CHO HÀNH VI BUÔN NGƯỜI

Hồi tháng 3, tờ Bloomberg cũng đưa tin về biến lớn của TikTok, rằng đại diện các bang tại Mỹ, trong đó có Tổng chưởng lý bang Massachusetts Maura Healey, đang đồng loạt thông báo về một cuộc điều tra lên nền tảng này do nghi ngờ những tác hại tiềm ẩn đối với sức khỏe trẻ em. Liên minh các bang đang tiến hành điều tra bao gồm California, Florida, Kentucky, Massachusetts, Nebraska, New Jersey, Tennessee và Vermont.

"Trẻ em và thanh thiếu niên vốn đã phải vật lộn với áp lực xã hội và căn bệnh trầm cảm, vì vậy chúng ta không thể để mạng xã hội làm tổn hại thêm sức khỏe thể chất và tinh thần của các em", bà Healey nói. "Các Tổng chưởng lý của các bang có nhiệm vụ phải bảo vệ trẻ em và tìm hiểu xem các công ty như TikTok đang tác động như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của chúng".

Quả bom nổ chậm TikTok: Cỗ máy kiếm tiền tỷ đô nhưng liên tục bị điều tra vì lọt nội dung nguy hiểm, bị cáo buộc tiếp tay cho nạn buôn người - Ảnh 2.

TikTok khẳng định đã phân loại nội dung phù hợp với lứa tuổi

"Con cái chúng ta đang lớn lên trong thời đại mạng xã hội. Mọi người đều cho rằng việc chọn lọc nội dung trẻ em tiếp cận là điều cần thiết. Chúng tôi biết rõ những nội dung độc hại có thể ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe và tinh thần trẻ", thông cáo báo chí dẫn lời Tổng chưởng lý bang California Rob Bonta cho biết.

Đáp lại, phía TikTok vẫn khẳng định đã phân loại nội dung phù hợp với lứa tuổi, lưu ý một số tính năng như nhắn tin trực tiếp không khả dụng đối với trẻ em.

"Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng những trải nghiệm giúp bảo vệ và hỗ trợ hạnh phúc cộng đồng. Công ty đánh giá cao việc các Tổng chưởng lý đề cao sự an toàn của những người dùng trẻ tuổi. Chúng tôi luôn mong muốn có thể cung cấp thêm nhiều thông tin hơn về những biện pháp bảo vệ quyền riêng tư thanh thiếu niên của nền tảng", đại diện TikTok nói.

THỰC TẾ ĐEN TỐI 

Dẫu vậy, thực tế những câu chuyện xảy ra với TikTok lại không giống với những gì nền tảng này cam đoan. 

Hồi năm 2021, một bé trai 12 tuổi sống ở bang Oklahoma, Mỹ đã tử vong vì tham gia trào lưu nguy hiểm có tên “Blackout challenge” (tạm dịch “thử thách bất tỉnh") trên TikTok. Cậu được cảnh sát tìm thấy trong trạng thái nằm bất động với nhiều dấu vết thương quanh cổ vào khuya ngày 19/7. Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu xong không qua khỏi.

Quả bom nổ chậm TikTok: Cỗ máy kiếm tiền tỷ đô nhưng liên tục bị điều tra vì lọt nội dung nguy hiểm, bị cáo buộc tiếp tay cho nạn buôn người - Ảnh 3.

TikTok có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên

Sự việc này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo, rằng các bậc làm cha làm mẹ cần nhận thức rõ ràng hơn những xu hướng nguy hiểm trên mạng xã hội, đồng thời theo dõi chặt chẽ các hoạt động của con trẻ.

“Giãn cách xã hội khiến trẻ em cảm thấy buồn chán và lên mạng là cách để giết thời gian. Mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ em và các bậc phụ huynh cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề này", trung úy cảnh sát Bethany Angelo Orefice cho biết.

Không chỉ riêng trẻ em, nhiều cô gái tuổi teen đăng video khoe thân trên TikTok cũng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần. "Với những cô gái tuổi teen đang phát triển, việc bị cuốn vào thế giới tình dục sẽ để lại hậu quả lớn. Khi được tán thưởng vì sự gợi cảm, họ sẽ tin rằng vẻ ngoài giúp họ làm nên giá trị của bản thân”, Paul Sunseri, một nhà tâm lý học tại California cho biết.

“Tôi muốn trở nên nổi tiếng trên TikTok và tôi nhận ra nếu đăng video khoe cơ thể, người khác sẽ thích nó”, Jula, học sinh tại một ngôi trường trung học bang California kể lại.

Quả bom nổ chậm TikTok: Cỗ máy kiếm tiền tỷ đô nhưng liên tục bị điều tra vì lọt nội dung nguy hiểm, bị cáo buộc tiếp tay cho nạn buôn người - Ảnh 4.

Theo CNBC, mỗi tháng có khoảng 1 tỷ người sử dụng ứng dụng TikTok

Thời điểm vướng vào bê bối có liên quan đến trẻ vị thành niên, đại diện phía TikTok vẫn phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi xem xét rất kỹ để đảm bảo sự lành mạnh cho các thanh thiếu niên khi thiết kế quyền riêng tư và hạn chế một số tính năng theo độ tuổi. Chúng tôi còn làm việc với chuyên gia để giúp phụ huynh và con trẻ có thể thoải mái đối thoại và chia sẻ’’. 

Trước đó, với độ phổ biến ngày càng rộng rãi, TikTok đã từng vấp phải một số chỉ trích từ giới chức Mỹ. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh về mối quan hệ của công ty này với Trung Quốc do TikTok thuộc sở hữu của công ty công nghệ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh.

Theo CNBC, mỗi tháng có khoảng 1 tỷ người sử dụng ứng dụng TikTok.

Theo: Financial Times, Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm