Một bước tiến chưa từng có trong lĩnh vực y học vừa được ghi nhận. Robot phẫu thuật tự động đầu tiên trên thế giới SRT-H đã hoàn thành ca phẫu thuật cắt túi mật với độ chính xác 100%, hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người.
Dù chỉ mới được thử nghiệm trên mẫu vật, thành tựu này vẫn được coi là cột mốc mang tính lịch sử, mở ra viễn cảnh phẫu thuật không bác sĩ trong tương lai gần.
Robot học theo cách bác sĩ mổ

SRT-H có khả năng vận hành độc lập, tự nhận diện cấu trúc giải phẫu, xử lý tình huống bất ngờ và đưa ra quyết định phẫu thuật (Ảnh: Johns Hopkins).
SRT-H (Surgical Robot Transformer-Hierarchy) là sản phẩm của nhóm nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Không giống như những robot phẫu thuật hiện tại vốn phụ thuộc hoàn toàn vào thao tác điều khiển của bác sĩ như hệ thống da Vinci đã được sử dụng trong hơn 12 triệu ca mổ từ năm 2000, SRT-H có khả năng vận hành độc lập, tự nhận diện cấu trúc giải phẫu, xử lý tình huống bất ngờ và đưa ra quyết định phẫu thuật gần như tương đương với bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Cốt lõi công nghệ của SRT-H là kiến trúc máy học tiên tiến, được huấn luyện qua phương pháp “language-guided imitation learning” (tạm dịch: học theo ngôn ngữ hướng dẫn). Công nghệ cho phép robot học từ video phẫu thuật thực tế do bác sĩ thực hiện.
Trí tuệ nhân tạo này cũng được lập trình để tiếp nhận lệnh bằng giọng nói và phản ứng theo thời gian thực, tương tự như cách các hệ thống AI hiện đại như ChatGPT vận hành.
Không một sai sót trong quá trình thử nghiệm
Trong quá trình thử nghiệm, SRT-H được giao nhiệm vụ cắt túi mật trên 8 mẫu gan heo có cấu trúc giải phẫu khác nhau, phản ánh sự biến thiên khi thực hiện trên bệnh nhân thật.
Ca phẫu thuật kéo dài vài phút, đòi hỏi robot phải sử dụng linh hoạt nhiều công cụ như kẹp, kéo, dao cắt và đặc biệt là khả năng ra quyết định tại chỗ.
Kết quả khiến cộng đồng khoa học sửng sốt. SRT-H nhận diện chính xác các ống dẫn, động mạch, áp dụng kỹ thuật cắt tách không sai lệch một bước nào. Đây là điều mà kể cả bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng có thể mắc lỗi trong tình huống căng thẳng.

Các đầu tay phẫu thuật của robot (Ảnh: Johns Hopkins).
Tuy vậy, robot vẫn cần nhiều thời gian hơn con người để hoàn thành phẫu thuật. Nhưng theo chuyên gia robot y tế Axel Krieger – người dẫn đầu nghiên cứu, chính khả năng "hiểu quy trình" chứ không chỉ "thực hiện thao tác" mới là bước nhảy vọt thật sự.
Ông ví SRT-H như một chiếc xe tự lái biết phân tích mọi điều kiện đường sá, chướng ngại vật. Trước đây các robot y tế chưa thể làm.
Tương lai không còn giới hạn bởi dao kéo và sai sót con người?
Một trong những thành viên chủ chốt của dự án cho rằng, độ tin cậy của AI trong phẫu thuật giờ đây đã đạt tới mức có thể chứng minh được.
Nếu tiếp tục phát triển, các robot như SRT-H có thể đảm nhận nhiều loại phẫu thuật hơn, từ đơn giản đến phức tạp, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ phẫu thuật, giảm tỷ lệ sai sót và chuẩn hóa chất lượng chăm sóc y tế, đặc biệt tại các vùng thiếu dịch vụ.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thử nghiệm trong môi trường kiểm soát. Để được ứng dụng trên người thật, SRT-H sẽ phải trải qua quy trình giám sát nghiêm ngặt và phê duyệt từ các cơ quan quản lý.
Không chỉ vậy, robot phẫu thuật độc lập cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Nếu có rủi ro xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm: bác sĩ, kỹ sư lập trình, hay chính hệ thống AI?
Nghiên cứu phát triển SRT-H được hỗ trợ bởi các tổ chức uy tín như Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến về Sức khỏe (ARPA-H), Quỹ Khoa học Quốc gia và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
Trong bối cảnh ngành công nghiệp robot phẫu thuật toàn cầu đã đạt giá trị gần 10 tỷ USD/năm với hơn 2,7 triệu ca phẫu thuật chỉ riêng năm 2024, những đột phá như SRT-H không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn là lời cảnh báo công nghệ đang tiến nhanh hơn những quy chuẩn đạo đức và pháp lý đi kèm.