Kinh doanh

Chuyên gia: AI, Blockchain hữu ích lớn cho kinh tế tuần hoàn

Nhận định được GS. Yves Wautelet đến từ Đại học KU Leuven (Bỉ) nêu tại hội thảo quốc tế chủ đề "Chuyển đổi số - động lực nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển kinh tế bền vững" (APMC 2025) do Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM (UEL) tổ chức tuần qua.

Theo GS. Yves Wautelet thế giới đang bước vào giai đoạn "chuyển đổi kép" - tức chuyển đổi số và phát triển bền vững, nơi công nghệ số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) hòa nhập với sinh thái học. "Mục tiêu của chuyển đổi kép là tận dụng tối đa sự kết hợp này để tạo ra giá trị lớn hơn, cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường", GS Yves Wautelet nói.

Nhận định được thực chứng qua mô hình ông phát triển gọi là Circulise, triển khai tại dự án Fanyatu ở lưu vực sông Congo chuyên tái trồng rừng và cải thiện sinh kế người dân địa phương. Circulise là sự kết hợp giữa mô hình quản lý, kinh tế và công nghệ để mang lại giá trị bền vững và tuần hoàn.

GS. Yves Wautelet phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể APMC 2025, hôm 16/7. Ảnh: UEL

Trong đó, dự án tích hợp công nghệ IoT và bản sao số (digital twins) để giám sát, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, xây dựng lòng tin các bên liên quan. Đến nay, khoảng 6 triệu cây được trồng, cộng đồng địa phương tham gia với vai trò "người sản xuất kiêm tiêu dùng tài nguyên" (resource prosumers).

Dự án hướng tới quản trị phi tập trung bằng Blockchain để đảm bảo tính minh bạch trong theo dõi CO2 và tạo chứng chỉ hấp thụ carbon. Nguồn thu từ bán chứng chỉ carbon dùng tài trợ cho việc tái trồng rừng, xây bếp ăn năng lượng mặt trời, hầm khí sinh học, nhà ở siêu bền cho cộng đồng địa phương.

Khác với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (sản xuất, sử dụng, thải bỏ), kinh tế tuần hoàn xoay quanh việc giảm thiểu chất thải, tận dụng tối đa giá trị từ sản phẩm và nguyên liệu. Theo các chuyên gia trong một nền kinh tế tuần hoàn, con người tận dụng được nhiều giá trị hơn từ những gì đã có và duy trì giá trị đó trong nền kinh tế lâu nhất có thể. Điều này có thể đạt được thông qua thiết kế thông minh, giải pháp số và sự chuyển dịch từ sở hữu sản phẩm sang sử dụng dịch vụ.

Trên thế giới, đã có các dự án khác cho thấy công nghệ mới đang là trợ thủ đắc lực để thúc đẩy nhanh tiến trình và hiệu quả của kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, EY đang hợp tác với nhiều công ty triển khai công cụ AI phân tích chuỗi cung ứng, giúp giải quyết các điểm nghẽn trong quản lý vận chuyển, giảm lượng phát thải carbon và dự báo nhu cầu nhằm hạn chế sản xuất dư thừa và tồn kho.

Trong lĩnh vực tái chế, Plastic Bank (Canada) ứng dụng nền tảng tích hợp AI và Blockchain để biến rác nhựa thành "tiền tệ". Người dân có thể đổi rác lấy nhu yếu phẩm, học phí, bảo hiểm y tế và các dịch vụ thiết yếu khác thông qua hệ thống minh bạch, có thể truy xuất.

Ở mức độ cao hơn, kinh tế tuần hoàn không chỉ nằm ở tái chế. Nhờ học máy và phản hồi liên tục, AI giúp nhà thiết kế nhanh chóng thử nghiệm và điều chỉnh nhiều phương án sử dụng vật liệu bền vững hơn, dễ tái sử dụng hoặc tháo rời.

Hiện khoảng 27% các quốc gia đưa hành động kinh tế tuần hoàn vào Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định (NDC). Kinh tế tuần hoàn cũng sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 30 của Liên Hợp Quốc (COP30), sẽ được tổ chức tại Belem (Brazil) vào tháng 11. Reuters đánh giá nhu cầu chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn giữa các quốc gia chưa bao giờ cấp bách hơn lúc này.

Việc khai thác và chế biến nguyên liệu, gồm nhiên liệu hóa thạch, khoáng sản và sinh khối, chiếm ít nhất 55% lượng khí nhà kính toàn cầu, đồng thời góp phần vào tình trạng suy giảm đa dạng sinh học và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, các nền kinh tế vẫn chưa khai thác hết tiềm năng từ các nguồn lực này.

Báo cáo Circularity Gap năm nay cho biết phần lớn nguyên vật liệu được đưa vào nền kinh tế hiện vẫn là nguyên liệu thô ban đầu và tổng khối lượng tiếp tục gia tăng theo từng năm. Chỉ 6,9% nguyên vật liệu từ nguồn tái chế, giảm 24% so với năm 2015, khi tỷ lệ này là 9,1%.

Chủ tịch COP30, Đại sứ Brazil Andre Correa do Lago mô tả kinh tế tuần hoàn là "một trong những công cụ cần thiết để đảm bảo chống lại biến đổi khí hậu nhanh nhất có thể", thúc giục các nước hành động khẩn trương, quyết đoán.

Nêu kinh nghiệm, GS. Yves Wautelet cho biết sự tương tác giữa công nghệ và nhu cầu của xã hội cần được thể hiện một cách rõ ràng trong thiết kế và vận hành hệ thống quản trị. Không chỉ đơn thuần áp dụng công nghệ, ông cho rằng cần xác định rõ công nghệ đó phục vụ lợi ích gì cho cộng đồng, phát triển bền vững và điều chỉnh công nghệ để phù hợp với mục tiêu xã hội.

Các tin khác

7 món ăn người bệnh thận nên tránh

Chế độ ăn uống khoa học là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh thận, dưới đây là danh sách các thực phẩm người bệnh thận nên tránh để bảo vệ sức khỏe.

Trung Nguyên Legend phát triển hệ thống giáo dục quốc tế tại Thành Phố Cà Phê

Ngày 20.7.2025, Trung Nguyên Legend chính thức ký kết hợp tác chiến lược phát triển giáo dục với hệ thống trường INschool thuộc Tổ chức Giáo dục Interlink Education và hệ thống trường Xanh Tuệ Đức nhằm triển khai hệ thống trường mầm non, tiểu học chuẩn quốc tế tại khu đô thị Thành Phố Cà Phê.

Giá nhà tiếp tục tăng

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi nhưng diễn biến chậm, chưa có đột phá. Giá cả có thể tăng nhẹ ở một số phân khúc do có sự điều tiết của bảng giá đất mới nhưng sẽ không có biến động mạnh.

Nguy kịch vì lầm tưởng nhồi máu cơ tim là đau dạ dày

Sau nhiều giờ lên cơn nhồi máu cơ tim mà không biết vì nhầm với triệu chứng đau dạ dày, ông Sơn (66 tuổi) rơi vào nguy kịch. Rất may mắn, ông được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hồng Ngọc cứu sống.

The Pearl - Nơi tôn vinh nghệ thuật sống của giới tinh hoa

Toạ lạc bên dòng Vàm Cỏ Đông, The Pearl được Nam Long phát triển chắt lọc, hướng đến cộng đồng tinh hoa. Trong những tư dinh sang trọng trên địa thế bán đảo, cư dân The Pearl có thể tận hưởng đặc quyền đậm chất thượng lưu.

Ecopark nâng cấp dòng sản phẩm signature tại Đảo Châu Âu - Eco Central Park

Từ biệt thự đảo Ecopark đến Đảo Châu Âu (Eco Central Park), nhà sáng lập Ecopark tiếp tục nâng cấp dòng sản phẩm signature của chính mình lên tầm cao mới, đưa Đảo Châu Âu thành phân khu compound đắt giá bậc nhất miền Trung với những thông số vượt ra khỏi quy hoạch thiết kế thông thường.