Động lực tăng trưởng của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) tiếp tục đến từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn. Lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 834 tỷ đồng, tăng 3%, trong khi phần lỗ giảm 15% về mức 456 tỷ đồng.
Đồng thời, mảng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn, cũng ghi nhận doanh thu 140 tỷ đồng, tăng 21% so với quý II năm ngoái.
Mảng môi giới ghi nhận dấu hiệu phục hồi rõ nét, với doanh thu đạt 219 tỷ đồng, tăng 20%. Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, thị phần môi giới của VNDirect trên sàn HOSE đạt 6,36%, là mức cao nhất trong 4 quý trở lại đây.
Nguồn thu từ cho vay giao dịch ký quỹ giữ ổn định ở mức 298 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ mảng tư vấn tài chính và lưu ký đóng góp tổng cộng 154 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
Chi phí hoạt động quý II tăng 8% so với cùng kỳ, chủ yếu do trích lập dự phòng và chi phí nghiệp vụ môi giới tăng lên.
Lợi nhuận trước thuế đạt 488 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lợi nhuận đã thực hiện chiếm 422 tỷ đồng.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC quý II của VNDirect).
Thời điểm 30/6, tổng tài sản của VNDirect đạt 47.919 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối quý I. Vốn chủ sở hữu cũng giảm 2% còn 19.632 tỷ đồng.
Về tự doanh, giá trị danh mục FVTPL cuối kỳ đạt 20.711 tỷ đồng, giảm 21% so với cuối tháng 3. Cơ cấu đầu tư cũng có sự điều chỉnh rõ rệt: danh mục cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được thu hẹp về 2.660 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu VPB của VPBank tiếp tục được giải ngân thêm, với giá gốc tăng từ 493 lên 516 tỷ đồng. HSG của Tập đoàn Hoa Sen xuất hiện trong danh mục với giá gốc 483 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý đang thấp hơn 8%.
Ngược lại, các mã ngân hàng như STB (Sacombank) và CTG (VietinBank) từng xuất hiện trong quý I với giá gốc hơn 100 tỷ đồng/mã đã không còn được thuyết minh khoản đầu tư lớn trong báo cáo quý II.
Danh mục chứng chỉ tiền gửi cũng được điều chỉnh giảm từ hơn 8.000 tỷ đồng xuống còn hơn 5.800 tỷ đồng, trong khi danh mục trái phiếu tăng từ hơn 14.700 tỷ đồng lên trên 18.000 tỷ đồng – cho thấy thay đổi chiến lược trong quản trị danh mục tài sản.
Khoản đầu tư HTM tiếp tục gia tăng từ 8.890 tỷ đồng lên 9.967 tỷ đồng trong ba tháng.
Ở mảng cho vay, dư nợ ký quỹ cuối kỳ ghi nhận 10.379 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối quý I.

(Nguồn: X.N tổng hợp).
Một trong báo cáo là sự gia tăng mạnh ở khoản phải thu khó đòi. Tính đến cuối quý II, giá trị khoản phải thu khó đòi đạt 1.925 tỷ đồng, gấp 4 lần mức 441 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I.
Phần lớn trong số này liên quan đến các công ty thuộc hệ sinh thái Trung Nam Group, đặc biệt là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, với khoản phải thu tăng vọt từ 230 tỷ lên 1.695 tỷ đồng chỉ trong một quý.
Trước diễn biến này, VNDirect đã tăng trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi thêm 77%, đưa tổng dự phòng lên 342 tỷ đồng.

Khoản phải thu khó đòi cuối kỳ của VNDirect vượt 1.900 tỷ đồng. (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý II của VNDirect).