Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 6h ngày 12/7, bão số 3 đã đi vào đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 233 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11, giảm một cấp so với chiều qua.
Dự báo trong sáng đến trưa nay, bão số 3 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ và gió bão có khả năng mạnh trở lại.

Vị trí và đường đĩ của bão số 3 vào lúc 4h sáng 21/7 (Ảnh: nchmf).
Từ tối và đêm nay, vùng ven biển Quảng Ninh - Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 7–9, gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14. Sâu trong đất liền gió cấp 6, giật cấp 7–8. Gió cấp 10–11 có thể gây đổ cây, cột điện, tốc mái.
Trong ngày và đêm mai (22/7), bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam. Khoảng 4h ngày 23/7, bão di chuyển khoảng 10-15km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Hưng Yên - Thanh Hoá.
Từ 21-23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An mưa rất to 200-350mm, có nơi trên 600mm. Các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất.
Bão số 3 rất mạnh, di chuyển nhanh nhưng lại dừng lâu ở đất liền
Phát biểu kết luận cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh miền bắc, Bắc Trung bộ, và hơn 1.700 xã, phường về công tác chủ động ứng phó cơn bão số 3 (bão Wipha), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Bão số 3 rất mạnh, diễn biến phức tạp, tốc độ di chuyển nhanh, nhưng lại có thời gian dừng lâu ở gần đất liền càng làm tăng nguy cơ thiệt hại khi đổ bộ vào đất liền.

Hải quân Vùng 1 tổ chức chằng buộc dây tàu vào phao trước khi bão đổ bộ (Ảnh: Nhân dân).
Do đó, các cơ quan chuyên môn phải thông tin đầy đủ, chính xác, đánh giá đúng tính chất phức tạp, nguy hiểm của bão, tránh tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống. Các bộ, ngành, địa phương phải duy trì chế độ trực 24/24h, căn cứ vào các bản tin cập nhật liên tục của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia để chỉ đạo điều hành kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, sớm cập nhật, điều chỉnh phương án ứng phó.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác dự báo phải luôn sẵn sàng, chủ động trên cơ sở khoa học, tuyệt đối không chủ quan. Cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo các đài khu vực công bố đầy đủ số liệu dự báo, phối hợp với địa phương để chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão số 3.
"Ngoài việc đưa ra các số liệu chuyên môn và thuật ngữ kỹ thuật, cần diễn giải rõ ràng, dễ hiểu để người dân nắm được cụ thể. Nếu gió mạnh đến mức nào thì cây có thể đổ, mái nhà cấp bốn có thể bị tốc mái, người ra đường có thể bị gió cuốn, phương tiện giao thông có thể bị thổi bay... có như vậy người dân mới hình dung rõ mức độ nguy hiểm để chủ động phòng tránh", Phó Thủ tướng lưu ý.