Shark Tank Việt Nam tập 5 mùa 7 quy tụ kha khá startup con nhà giàu. Yeast Era là startup đầu tập khiến Shark Bình khi nghe đến số vốn đầu tư đã phải thốt lên "Nhà mình giàu nhỉ".
Xuất hiện trên Shark Tank, Lê Thanh Hoài Phương – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Yeast Era giới thiệu startup này chuyên cung cấp sản phẩm protein 100% từ men vi sinh, được ứng dụng công nghệ sinh học độc quyền, đã được cấp 4 bằng sáng chế.
Lợi ích của protein này là cung cấp năng lượng dồi dào và bền bỉ, có thành phần là beta glucans (là thành phần vỏ ngoài của nấm men yeast) có khả năng tăng cường sức khỏe về tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa và hệ miễn dịch phù hợp với tất cả mọi người kể cả những người ăn chay, những người có chế độ dinh dưỡng đặc biệt và những cái người mà có bệnh lý.
Theo Phương, khách hàng tiềm năng Yeast Era hướng đến là những người đam mê vận động và luyện tập thể thao. Đây là đối tượng khách hàng có tư duy thoáng, chấp nhận sử dụng sản phẩm mới, công nghệ mới.
Yeast Era muốn kêu gọi 5 tỷ cho 5% cổ phần, tương đương định giá pre-money 95 tỷ đồng.
- "Dựa vào đâu em đưa ra mức định giá này", Shark Bình chất vấn.
- "Bên em đã đầu tư tổng 100 tỷ cho dự án này từ vốn của em và 2 nhà đầu tư thiên thần".
- "Tiền thịt?"
- "Dạ"
- "Nhà mình giàu nhỉ? Bố mẹ em là ai?"
"Nhà em đều làm thức ăn chăn nuôi. Chính vì thế, em rất muốn sản xuất ra một cái gì đấy có thể thay thế cho chăn nuôi một cách bền vững hơn, khỏe mạnh hơn, mang tính tương lai. Rất may gặp được 2 angel investors đồng hành cùng em giai đoạn nghiên cứu", Phương bộc bạch.
Startup con nhà giàu bỏ gần 70 tỷ xây nhà máy, tự tin là Top 3 nhà máy đầu tiên trên thế giới sản xuất công nghệ từ men vi sinh
Nêu lên lợi thế cạnh tranh về công nghệ và giá thành, CEO Hoài Phương chia sẻ: "Về công nghệ, hiện tại bên em là một trong ba nhà máy đầu tiên trên thế giới sản xuất ra công nghệ đến từ men vi sinh. Về giá thành, đối với các thị trường ngoài Việt Nam, sản phẩm Yeast Era ở mức affordable (hợp lý, có thể chấp nhận, chi trả). Ví dụ, ở thị trường Indonesia, sản phẩm của em ở tầm trung, còn những thị trường châu Âu thì thậm chí rẻ hơn một nửa so với những sản phẩm tương tự. Dù vậy, ở Việt Nam, Yeast Era được xếp vào dạng premium (cao cấp)."
Điểm đặc biệt về công nghệ của Yeast Era là tái chế nước 99% trong quy trình sản xuất, giảm phát thải CO2 và metan so với các protein truyền thống. Bên cạnh đó, công nghệ của Yeast Era là không phụ thuộc vào thời tiết, không phụ thuộc vào mùa màng, có thể sản xuất bất kỳ ở đâu.
Về bức tranh tài chính, Yeast Era bắt đầu từ năm 2019, tổng số vốn đã đầu tư là 100 tỷ đồng (chủ yếu là vốn chủ và hai nhà đầu tư thiên thần, vay ngân hàng 3,5 tỷ đồng). Do nghiên cứu trên quy mô lớn, startup đầu tư 67 tỷ đồng xây dựng nhà máy ở Nghệ An.
Phương chia sẻ năm 2022, Yeast Era lỗ 6,6 tỷ đồng vì chi cho quản lý doanh nghiệp và thử nghiệm công nghệ.
"Đáng lẽ năm ngoái đã ra mắt sản phẩm, nhưng bởi vì công nghệ sinh học quá mới và tụi em không lường được thời gian kéo dài của công nghệ nghiên cứu, dẫn đến cuối năm nay tụi em mới ra mắt sản phẩm", Phương nói.
Startup mơ hồ về thị trường nhưng 4 Shark hứng thú đầu tư
Shark Hưng và Shark Bình đều có chung nhận xét rằng startup "rất tù mù", đang ở điểm "nút thắt cổ chai" - tức là mọi sự dồn nén cùng một lúc, đây là điểm bật nhảy hoặc là vọt qua hoặc là rơi tõm.
Bên cạnh đó, Shark Hưng cũng cho biết ông không thấy hợp lý về cách định giá của startup vì công nghệ, bằng sáng chế sản phẩm, nhà máy không mang lại giá trị trực tiếp cho nhà đầu tư, chúng chỉ có giá trị khi biến thành doanh số.
Đáp lại, startup cho biết: "Với công nghệ sinh học, nếu làm ở quy mô lớn như bọn em ở nước ngoài họ đã được phải đầu tư cả tỷ đô la và thậm chí là hàng trăm triệu đô ở những giai đoạn đang còn nghiên cứu. Chúng em đã thực hiện được những cái khâu khó nhất và thách thức nhất của công nghệ sinh học đó là từ nghiên cứu ở phòng thí nghiệm thành công, vận hành nhà máy ở quy mô công nghiệp".
Shark Minh Beta nhìn nhận vấn đề lớn nhất của startup là thị trường nên không đầu tư một khoản khi không chắc chắn. 4 Shark còn lại đều có hứng thú với Yeast Era.
Shark Thái đề nghị đầu tư 15 tỷ cho 15% cổ phần, đồng thời muốn độc quyền thị trường Việt Nam và thị phần mảng kinh doanh online. Startup vẫn có thể bán những thị trường khác chỉ cần đảm bảo vấn đề về giá.
Với nền tảng kinh nghiệm về y khoa, công nghệ kỹ thuật và kinh doanh, Shark Lê Mỹ Nga mong muốn đưa sản phẩm đến đối tượng chủ yếu là bệnh nhân. Đặc biệt, bà cho biết có thể hỗ trợ startup hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường toàn cầu.
Cùng chung nhận định, shark Hưng cho biết sẽ "bắt tay" với Shark Mỹ Nga và đem đến cho startup một deal 5 tỷ cho 5% cổ phần, trong đó mỗi shark có 5% ưu đãi cổ tức trong vòng 5 năm.
Chủ tịch NextTech đề nghị đầu tư 20 tỷ cho 20 % cổ phần và nhấn mạnh điều kiện quá trình thẩm định diễn ra đúng và rõ ràng minh bạch".
Cuối màn pitching, startup quyết định chọn deal của Shark Thái, 15 tỷ cho 15% cổ phần kèm điều kiện độc quyền mảng kinh doanh online tại thị trường Việt Nam trong 1 năm.